Một số tổ chức quốc tế như OpenSignal, Akamai mới đây xếp hạng tốc độ 3G tại Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả Lào và Campuchia khiến dư luận rất băn khoăn. Nhưng có đúng là mạng 3G của Việt Nam thực sự chậm như vậy?
Tháng 8/2016, Báo cáo về Hiện trạng các mạng di động toàn cầu của OpenSignal cho hay, tốc độ kết nối trung bình trên nền mạng di động của Việt Nam là 3,81 Mbps. Với kết quả này, Việt Nam chỉ đứng trên duy nhất Philippines (3,13 Mbps) trong khu vực ASEAN.
Tốc độ 3G mà Cục Viễn thông đo được cao hơn so với số liệu quốc tế 2-3 lần.
Đến cuối tháng 9, kết quả do Akamai Technologies công bố trong báo cáo Hiện trạng Internet thậm chí còn thấp hơn, khi nhận định tốc độ kết nối trung bình của 3G tại Việt Nam trong quý II chỉ đạt 2,8 Mbps.
Bỏ qua nhiều yếu tố?
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, mỗi tổ chức thường có những phương pháp đo và thuật toán khác nhau (chẳng hạn như Akamai giám sát lưu lượng khách hàng đến hệ thống máy chủ của mình, còn OpenSignal dựa trên phần mềm được khách hàng cài đặt trên thiết bị cá nhân). Song thường thì họ không bao giờ tính toán được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ truy nhập Internet như gói cước mà nhà mạng áp dụng, loại smartphone mà người dùng sử dụng, công nghệ và chính sách của các nhà mạng, máy chủ cung cấp nội dung…
“Trong các yếu tố này, việc không xem xét đến gói cước khách hàng đang sử dụng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả”, ông Trung phân tích. Theo lý giải của vị đại diện Cục Viễn thông thì tại Việt Nam, các nhà mạng đều có một cách xây dựng gói cước khá giống nhau, đó là sau khi hết lưu lượng tốc độ cao cho phép của gói, tốc độ truy cập 3G sẽ bị “bóp” về tốc độ tối thiểu, đôi khi chỉ đạt khoảng 121 kbps. Nếu Akamai, OpenSignal tiến hành phép đo vào đúng thời điểm này, hoặc lấy tốc độ bình quân của cả gói bằng cách lấy tốc độ tối đa cộng tốc độ tối thiểu chia đều, thì không khó hiểu khi kết quả cuối cùng quá “lẹt đẹt”.
Đó là chưa kể phương pháp xác định của các tổ chức này chỉ thể hiện được tốc độ download mà không xét đến các chỉ tiêu khác của dịch vụ như tốc độ upload, tỷ lệ vùng phủ, độ trễ truy nhập, tỷ lệ truy nhập bị rơi…. Đây cũng là những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ 3G mà các nhà mạng đang cung cấp, ông Trung lưu ý. “Do đó, kết quả của các tổ chức quốc tế tuy rất có giá trị để nhà mạng tham khảo, song cũng chưa thực sự phản ánh chính xác thực tế”.
Tốc độ vẫn đáp ứng quy chuẩn
Để chứng minh cho nhận định này, Cục Viễn thông đã chia sẻ kết quả đo kiểm đánh giá 5 chỉ tiêu kỹ thuật gồm Độ sẵn sàng của mạng vô tuyến; Tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ; Thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình; Tỷ lệ truyền dữ liệu bị rơi; Tốc độ tải dữ liệu Internet 3G mà Cục tiến hành trong tháng 10 vừa qua. Diện khảo sát bao gồm dịch vụ của 4 doanh nghiệp Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile đang cung cấp trên địa bàn 6 tỉnh/thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương.
Việc đo kiểm được thực hiện tuân thủ theo đúng Quy chuẩn quốc gia QCVN 81-2014/BTTTT, cụ thể như: mô phỏng trên 5400 mẫu đo phân bố đều cho cả hướng lên và hướng xuống cho mỗi doanh nghiệp; thực hiện đo 3 điều kiện ngoài trời di động, ngoài trời cố định và trong nhà. Theo đó, cả 4 nhà mạng đều có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt trên giá trị tối thiểu theo quy chuẩn (95%); Tỷ lệ truy nhập thành công dịch dịch vụ đạt giá trị gần như tuyệt đối 100%. Thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình của cả 4 mạng đều < 2 giây, trong khi quy chuẩn cho phép < 10 giây.
Đáng chú ý nhất, tốc độ tải dữ liệu trung bình của Viettel đạt 10,83 Mbps, Vinaphone đạt 8,45 Mbps, MobiFone đạt 8,21 Mbps – cao hơn rất nhiều so với con số mà OpenSignal hay Akamai công bố. Tốc độ upload tương ứng của 3 mạng là 2,29 Mbps, 1,20 Mbps và 1,5 Mbps. Duy chỉ có Vietnamobile là có tốc độ khá cách biệt với 3 mạng còn lại, khi tốc độ download đạt 3,73 Mbps còn tốc độ upload là 0,71 Mbps.
“Về tổng thể, có thể thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì chất lượng dịch vụ 3G phù hợp với Quy chuẩn quốc gia trong vùng phục vụ đã công bố. Tính trung bình cả 4 doanh nghiệp thì tốc độ 3G đạt 7,87 Mbps download và 1,44 Mbps upload – khác biệt và cao hơn so với đánh giá của một số tổ chức quốc tế”, ông Trung chỉ rõ.
Cần thay đổi chính sách gói cước!
Tuy nhiên, để tránh lặp lại tình trạng các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá thấp tốc độ 3G của Việt Nam, Cục Viễn thông cho rằng gốc rễ vấn đề nằm ở việc các nhà mạng phải điều chỉnh hợp lý chính sách gói cước của mình. Việc bóp lại băng thông sau khi khách hàng dùng hết dung lượng cao sẽ khiến cho tốc độ trung bình của cả gói rất thấp.
“Nhà mạng cần nghiên cứu chính sách cước hài hòa giữa quyền lợi người dùng với doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao được tốc độ truy cập Internet cho các thuê bao di động tại Việt Nam”, ông Trung nêu quan điểm.
Tất nhiên, bên cạnh sự “tự nguyện” của các doanh nghiệp thì bản thân Bộ TT&TT, với tư cách Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực viễn thông, cũng sẽ phải có những quy định, điều chỉnh hợp lý liên quan đến cách thức xây dựng gói cước của doanh nghiệp theo hướng này. Như Thứ trưởng Phạm Hồng Hải từng chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban QLNN Quý III của Bộ TT&TT thì “Công bố của các tổ chức quốc tế về tốc độ 3G của Việt Nam quá thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín quốc gia nên không thể kéo dài. Đề nghị Cục Viễn thông sớm họp với các doanh nghiệp viễn thông để xem xét lại vấn đề thiết kế gói cước nói riêng va tốc độ 3G nói chung. Nếu cần thiết, Bộ sẽ phải có văn bản chấn chỉnh tốc độ 3G của các nhà mạng”.
Đồng thời, cũng theo quy định, các nhà mạng phải công bố công khai vùng phục vụ cung cấp dịch vụ truy nhập Internet 3G kèm theo cam kết tốc độ trung bình tối thiểu. Người dùng có thể truy cập vào website chính thức của nhà mạng để kiểm tra các thông tin này, cũng như sử dụng các phần mềm đo tốc độ 3G cài trên điện thoại để giám sát chất lượng dịch vụ mà nhà mạng cung cấp.
Việc 4 nhà mạng được cấp phép 4G mới đây cũng là một “cú hích” cần thiết để tăng đáng kể tốc độ truy cập Internet di động tại Việt Nam.
Để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các cam kết về chất lượng và tốc độ dịch vụ 4G thương mại, cũng như 3G hiện hành, trong thời gian tới, Bộ TT&TT khẳng định sẽ tăng cường công tác đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ Internet băng rộng (cả băng rộng di động và băng rộng cố định) theo nhiều hình thức với khoảng thời gian dài, số mẫu lớn để có thể đánh giá chính xác hiện trạng.