‘Thói quen vị kỷ, tham lam, vô cảm của người Việt’

Hôi của sau tai nạn thể hiện thói quen vị kỷ, tham lam và vô cảm của con người, nhất là người Việt”, PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm.

65923848b8f81f.img

Hiện trường vụ người dân hôi cám của xe gặp nạn tại Hòa Bình.

Thời gian gần đây, câu chuyện về hành vi hôi của sau vụ tai nạn khiến 2 người chết ở xã Yên Hậu (Tân Lạc – Hòa Bình) gây nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng việc dân lấy phần cám rơi vãi dưới sự cho phép của chủ hàng là chấp nhận được, nhưng một số khác lại phản đối và lên án gay gắt hành vi trên.

PV Báo đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa & Phát triển về vấn đề này.

PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa & Phát triển. (Ảnh: Kim Thược)

– Hôi của sau tai nạn giao thông là câu chuyện không mới ở xã hội chúng ta. Dù bị chỉ trích, lên án mạnh mẽ nhưng hành vi này vẫn diễn ra phổ biến. Ông có đánh giá gì về hành vi hôi của của người Việt?

Nói về hành vi hôi của, tôi đánh giá tinh thần văn minh cộng đồng của người Việt rất thấp kém.

Khi phân tích tâm lý một bộ phận những người hôi của thì thấy họ khoan khoái trong người khi lấy được, nhặt được một cái gì đó từ người khác. Nhất là khi lấy được của công, họ coi đó như một điều hiển nhiên, không có gì xấu xa. Thậm chí, họ còn tự hào khi lấy được phần nhiều hơn so với người khác.

Cách đây không lâu, tôi có trả lời một bài báo về hành vi tranh cướp vật dụng tiêu hủy tại Bộ khoa học Công nghệ. Tôi nhắc lại ví dụ đó để thấy, thói quyen vị kỉ, hành vi hôi của, tranh cướp không phải chỉ có ở tầng lớp nông dân, nó có ngay cả trong tầng lớp trí thức trong xã hội.

Vấn đề này thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa của con người. Đó là thứ văn hóa chiếm hữu, muốn lấy của người khác để thỏa mãn nhu cầu ích kỉ, tham lam của bản thân mình.

– Mấy ngày nay, dư luận xôn xao với hành vi hôi của sau tai nạn 2 người chết ở xã Yên Hậu (Tân Lạc – Hòa Bình). Được biết, người dân xã Yên Hậu chỉ lấy những bao cám bị vỡ của chiếc xe tải gặp nạn và có sự đồng ý của chủ xe. Vậy theo ông, hành vi này của người dân có đáng bị lên án?

Nếu xét trong trường hợp người dân đã giúp cho chủ xe xong xuôi rồi, phần rơi vãi còn lại người ta cho thì người dân lấy không có gì là xấu. Thế nhưng, khi hàng hóa của họ còn ngổn ngang ở đó, thay bằng việc giúp người ta bốc lên xe, người dân lại mang bao nhà mình ra lấy phần cám vỡ đúng là không hay nếu chưa muốn nói là mất mỹ quan. Hành vi đó vô tình khiến đối tượng vừa mất người, vừa mất của cảm thấy đau xót, nặng nề hơn.

Xét về lý thì người dân không sai nhưng xét về tình thì tôi cho rằng đây là một hành vi ứng xử xấu xí. Nó vẫn thể hiện thói quen vị kỷ, tham lam và đôi chút vô cảm của con người. Mà thói quen này như tôi đã phân tích, nó là bản chất của con người, nhất là người Việt. Chỉ cần có hiệu ứng tâm lý đám đông là cơ hội bùng phát sẽ rất cao.

– Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến các hành vi xấu xí trên?

Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là từ giáo dục, một thời gian dài chúng ta bỏ quên việc giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Trong nhà trường không có nhiều chương trình dạy cho học sinh biết cái gì là đúng, cái gì là sai.

Khi các em ra xã hội, thấy những điều xấu mà người khác làm nhưng không bị ai phản đối, không ai ngăn cấm, không ai lên án và pháp luật cũng không trừng trị thì làm thôi. Lâu dần người ta sẽ thấy điều đó là bình thường, không có gì đáng xấu hổ.

Một nguyên nhân khác là xã hội chưa lên án đúng mức, pháp luật chưa trừng trị thích đáng nên người ta không sợ, vẫn cố tình làm dù có người vẫn biết hành vi đó là không đúng.

– Vậy pháp luật cần có biện pháp gì để xóa bỏ hành vi tranh cướp, hôi của khi người khác gặp nạn?

Như tôi đã nói, tôi không mấy bất ngờ khi biết sự việc này, bởi tình trạng này đã được báo chí nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây, đến mức gần như phổ biến. Nó được báo chí đề cập, phản ánh nhiều lần nhưng nói đến rồi lại thôi, không ai bị gì thì dễ hiểu vì sao nó vẫn xảy ra và có phần gia tăng.

Bởi vậy, hành vi này phải được xem trọng đúng mức, cả xã hội phải lên án, pháp luật phải trừng phạt để ngăn chặn ngay từ bây giờ. Nếu không ngăn chặn từ lúc này, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành hiện tượng phổ biến như hành vi xếp hàng ở ta vậy.

Chúng ta có thể không xử lý hết được tất cả những người hôi của, nhưng chỉ cần ai xuất hiện trong hình ảnh, video, có bằng chứng thì xử phạt người đó.

Truyền thông tuyên truyền kết quả xử phạt, người dân sẽ biết hành vi đó sẽ bị trừng trị thì khi xảy ra vụ việc tương tự, rất nhiều người sẽ kiềm chế mà không dám hành động. Như thế, cái ác mới dần bị loại trừ khỏi xã hội, tránh tình trạng cái ác chiếm ưu thế, gây hại cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan