Việt Nam là một trong những nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ mì gói (mì ăn liền), với quy mô thị trường hơn 24.000 tỷ đồng. “Miếng bánh” béo bở này đang được hơn 50 doanh nghiệp chia thị phần, tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt.
Các nhãn hàng mì gói đua nhau giành thị phần. Ảnh minh họa
Thị trường bị thu hẹp
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), ước tính trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 52 gói mì/năm, trở thành nước tiêu thụ mì gói lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản. Quy mô thị trường mì gói ở Việt Nam vào khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD.
Trong gần 10 năm trở lại đây, mức độ tiêu thụ mì gói ở Việt Nam dao động không mạnh. Nếu năm 2010, cả nước tiêu thụ 4,8 tỷ gói mì thì đến năm 2013 tiêu thụ mì gói lên đến đỉnh điểm khi 5,2 tỷ gói mì được sử dụng nhưng đến năm 2016 con số này quay trở lại với 4,8 tỷ gói. Như vậy, trong vài năm trở lại đây, quy mô thị trường mì gói được thu hẹp. Trong khi đó, càng ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh loại hàng này.
Theo thống kê, ngoài 50 DN trong nước sản xuất với hàng trăm nhãn hàng khác nhau thì nhiều DN còn nhập khẩu mì gói từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. “Thị trường mì gói rất khốc liệt”, đại diện Tập đoàn Masan, DN sản xuất mì gói có thị phần đứng thứ 2 Việt Nam với Pháp luật Việt Nam.
Trong số hàng chục DN mì gói đang “tham chiến” tại thị trường Việt Nam thì có 3 DN lớn chiếm tới 70% thị phần, đó là Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.Khoảng 10 năm trước, Vina Acecook độc tôn thị trường mì gói Việt Nam với các nhãn hàng nổi tiếng như Phở Gà, mì Hảo Hảo. Đơn vị này từng chiếm khoảng 51% thị phần mì gói Việt Nam. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hiệu khác, Vina Acecook không còn ở thế độc tôn khi thị phần giảm xuống còn khoảng 43%.
Đối thủ lớn nhất của Vina Acecook là Masan Consumer. Từ khi “đại gia” này tham gia thị trường mì gói tại Việt Nam vào năm 2007 đã khiến Vina Acecook giảm thị phần nhanh chóng. Vốn có kinh nghiệm kinh doanh mì gói tại Nga và một số nước Đông Âu, mì gói Masan khi vào Việt Nam đã sớm nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Các nhãn hàng mì gói nổi tiếng của Masan như Omachi, Kokomidần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn. Hiện, thị phần mì gói của Masan ở Việt Nam chiếm hơn 24%.
Làm gì để cạnh tranh thị phần?
Cty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với các thương hiệu như mì Gấu Đỏ, Trứng Vàng đang chiếm hơn 10% thị phần mì gói trong nước, giảm so với trước đó. Thời gian qua, Asia Foods mở rộng thêm một số nhà máy với hi vọng giành thêm thị phần, tuy nhiên đến nay chưa nhận được kết quả khả quan.
Một thương hiệu mì gói khác chiếm khoảng 2% thị phần nhưng được nhiều người biết đến là Miliket. Đây từng là thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức nhiều người ở cả thành thị lẫn nông thôn, nhưng ba năm trở lại đây đều chứng kiến cảnh sụt giảm doanh thu. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của đơn vị này chỉ còn khoảng 25 tỷ đồng.
Hiện Miliket chủ yếu được người tiêu dùng sử dụng khi ăn lẩu. Với việc kinh doanh ngày càng khó khăn, trong khi chậm cải tiến mẫu mã và chất lượng thì rất có thể trong thời gian không dài thương hiệu Miliket vang bóng một thời sẽ khó tồn tại trên thị trường mì gói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các DN mì gói đều cố gắng có định hướng phát triển riêng, đánh vào từng phân khúc để giành thị phần. Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay các nhãn hàng mì gói chia thành nhiều phân khúc là thấp cấp, trung cấp và cao cấp để thích hợp với từng thị trường ở nông thôn, thành thị.
Với phân khúc thấp cấp và trung cấp, chủ yếu tiếp cận ở khu vực nông thôn. Điển hình cho phân khúc này là nhãn hiệu mì chua cay Hảo Hảo của Vina Acecook và Kokomi của Masan với giá thành tương đối mềm, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng nông thôn và người có thu nhập trung bình thấp. Nhằm vào đối tượng có thu nhập cao ở thành thị, Masan cho ra đời mì Omachi ở phân khúc cao cấp với giá đắt hơn nhưng chất lượng hơn.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo Masan cho biết, nhằm nâng cao chất lượng nhãn hàng Omachi, DN này vừa đầu tư thêm nhiều tỷ đồng để trong gói mì có thịt thật 100%.“Điều này khiến việc sản xuất khó hơn bình thường và phải đầu tư lớn nhưng để cạnh tranh và mang đến cho khách hàng sản phẩm tốt hơn thì chúng tôi chấp nhận đầu tư”, đại diện Masan cho biết.
Hảo Hảo được coi là thương hiệu mì gói lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên để giữ thị phần, đơn vị cũng đã nhiều lần thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng và thực hiện các chiến dịch truyền thông rầm rộ. Trong khi đó, các mì Gấu Đỏ, Ba Miền thì dùng chính sách bán rẻ để lấy thị phần.
“Các nhãn hiệu mì gói top đầu có nhiều chiến dịch nâng cao thương hiệu, giành thị phần đã khiến nhiều DN mì nhỏ hơn cạnh tranh không nổi”, lãnh đạo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết. Và thời gian tới, khi các nhà bán lẻ nước vào tăng cường đầu tư phát triển ở Việt Nam, nhiều loại mì nước ngoài được nhập khẩu vào sẽ càng khiến thị trường mì gói cạnh tranh quyết liệt hơn.