Tiếp sau chân gà, thịt heo và trái cây từ châu Âu sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam, thì rượu vang của Italy cũng đang lên kế hoạch quảng bá “tưng bừng” nhất từ trước đến nay.
Sẽ có đến 11 công ty rượu của Italy đến Việt Nam để tìm cách thâm nhập thị trường vào trung tuần tháng này nhân sự kiện Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam – Vietnam Foodexpo 2016 do Bộ Công Thương tổ chức.
Thông tin trên vừa được Phòng Xúc tiến thương mại của Tổng lãnh sự Italy xác nhận. Cơ quan này cho biết, xuất khẩu rượu của Italy đến Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Tận dụng các cơ hội sắp đến của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam, các doanh nghiệp rượu nước này đang muốn tăng mạnh thị phần tại Việt Nam, vốn đang phải cạnh tranh với rượu của nhiều nước như: Pháp, Chile, Tây Ban Nha, Mỹ… Hiện tại, cùng với các nước này, xuất khẩu rượu vang của Italy vào Việt Nam đang tăng hơn 20% mỗi năm.
11 công ty rượu vang đang sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Ngoài các loại rượu như: vang trắng, vang đỏ, vang nổ.., trong sự kiện triển lãm sắp tới còn có thêm 19 doanh nghiệp thực phẩm Italy mang đến các sản phẩm như: giấm; mì, bột mì và bánh mì que, hạt dẻ cười; sữa và phô mai; nước ép trái cây; cà chua; cà phê… Bà Carlotta Colli – Tổng lãnh sự Italy tại TP HCM cho rằng, tính tò mò và chuộng “món lạ” của người Việt Nam sẽ là chìa khóa giúp đồ ăn, thức uống nước này thành công tại đây.
“Dù có sự khác biệt về khẩu vị giữa người Italy và người Việt Nam nhưng giữa hai dân tộc có một điểm tương đồng là tình yêu dành cho ẩm thực. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, những sản phẩm lạ từ Italy sẽ kích thích được sự tò mò của người Việt”, bà Carlotta Colli đánh giá.
Tại châu Âu, Italy đang là cường quốc về xuất khẩu thực phẩm, với kim ngạch hơn 10 tỷ euro trong nửa đầu 2016. Vào năm 2015, xuất khẩu thực phẩm của nước này mang về doanh thu 36,8 tỷ euro. Trong đó, rượu là sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất với 5,4 tỷ euro. Các mặt hàng xếp tiếp theo là: trái cây tươi – rau quả, mỳ Ý, pho mát, cà phê… Đến năm nay, Italy đang đứng hàng đầu về xuất khẩu rượu trên thế giới.
Riêng với Việt Nam, số liệu của Viện thống kê Italy cho biết, trao đổi thương mại song phương hai nước năm qua đạt 3,7 tỷ euro. Trong đó, nhóm ngành nông sản, thủy sản, thực phẩm và đồ uống chiếm 12% kim ngạch. 80% kim ngạch nhóm này của Italy là đến từ thực phẩm và đồ uống. Chỉ riêng thịt nguội và xúc xích thì người Việt đã tiêu thụ đến 24 triệu euro trong năm ngoái. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu xuất sang hàng nông sản và thủy sản thô với giá trị gia tăng không cao.
“Thế yếu của chúng ta là sản phẩm xuất ra đa phần chỉ mới là nguyên liệu chứ chưa bế biến tinh, chưa tạo nhiều giá trị gia tăng”, ông Tạ Hoàng Linh – Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đánh giá.
Ông Linh cho biết thêm, trước sự “bành trướng” của thực phẩm ngoại, đặc biệt là thực phẩm châu Âu tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã có chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam để tăng vị thế trên thị trường xuất khẩu thế giới.
“Chiến lược này đang trong giai đoạn nghiên cứu. Phía CBI (Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan) và EU-MUTRAP (Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu) đang hỗ trợ chúng tôi đề xuất các nội dung. Đến giữa 2017, chúng tôi sẽ đưa ra được chiến lược thương hiệu cho ngành thực phẩm”, vị này chia sẻ và cho rằng Vietnam Foodexpo 2016 cũng là một giải pháp để giúp quảng bá thương hiệu và kết nối ngành thực phẩm Việt Nam với thế giới. Sự kiện năm nay dự kiến có 500 gian hàng của 400 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh/thành trên cả nước và 15 quốc gia. Trong đó, Italy được mời là quốc gia danh dự.