Mỗi lần rùa nổi lên mặt nước, nằm phơi nắng bên chân tháp giữa hồ đều trở thành sự kiện, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân.
Cùng với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, rùa hồ Gươm trở thành một biểu tượng trong đời sống tinh thần người Hà Nội. Rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết chống ngoại xâm của dân tộc nên luôn thu hút sự quan tâm của người dân. Đây cũng được cho là một trong bốn cá thể hiếm còn sót lại trên thế giới và được kêu gọi cần bảo tồn.
Hình ảnh rùa nổi lên ngay ngày đầu năm mới 2010, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dạo phố hoa.
Từ năm 2011, tần suất rùa nổi lên ngày càng nhiều, khiến cho người dân lo lắng về sức khỏe của rùa. Hình ảnh những vết thương trên mình, chân, cổ ngày càng lan rộng là dấu hiệu cho thấy rùa đang xuống sức.
Sau khi hình ảnh những vết thương lở loét trên mình rùa liên tục xuất hiện trên báo chí trong và ngoài nước, các nhà khoa học và dân chúng nhiều lần lên tiếng cần đưa rùa hồ Gươm lên cạn để chữa thương. Quyết định đưa rùa lên cạn được đưa ra từ giữa tháng 2/2011 với hai phương án: chờ rùa tự bò lên gò đất thuộc Tháp Rùa, hoặc đưa lên bằng lưới đánh bắt.
Cuối cùng, phương án hai được lựa chọn. Sau nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, sáng 8/3/2011, chiến dịch bắt rùa khai màn trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân.
Sau gần trọn ngày bủa vây với 2 lần bắt hụt, lực lượng chức năng đã đưa được rùa về gò đất ở Tháp Rùa giữa hồ để chữa trị.
Giới chuyên môn nhận định, tình trạng thương tích của rùa không quá lo ngại, mầu trắng trên chân và cổ rùa là do giảm sắc tố da sau khi vết thương đã thành sẹo. Một thành viên nhóm điều trị cho biết sau khi được đưa vào khu chăm sóc, rùa đã ăn cá, thái độ hiền lành và không có vẻ gì sợ hãi.
Công cuộc trị thương cho rùa kéo dài gần 3 tháng. Khi lành vết thương, rùa hồ Gươm được thả trở lại môi trường sống tự nhiên, cùng hàng chục nghìn con cá, được thả vào hồ làm thức ăn cho rùa.
PGS Hà Đình Đức tiếp cận rùa khi lên bờ phơi nắng. Lần nổi lên gần đây nhất của rùa hồ Gươm là vào trưa ngày 21/12/2015. Sau 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, PGS Đức đề nghị thành phố Hà Nội trình lên Thủ tướng ra quyết định công nhận rùa hồ Gươm, tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa hồ Gươm ở bảo tàng là bảo vật quốc gia.
Người Hà Nội sẽ chẳng bao giờ còn được chứng kiến hình ảnh rùa hồ Gươm nằm phơi nắng gần chân Tháp Rùa. Thông tin từ cơ quan chức năng TP Hà Nội xác nhận rùa hồ Gươm đã chết chiều 19/1. Khoảng 17h xác rùa được phát hiện nổi lên tại khu vực trước báo Hà Nội mới. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tụ tập theo dõi. Xác rùa được di chuyển tới khu vực đền Ngọc Sơn chờ phương án xử lý của nhà chức trách. Theo một chuyên gia động vật, do rùa hồ Gươm là cá thể cái nên chỉ còn phương án là làm tiêu bản để bảo tồn cho thế hệ mai sau.