Hàng trăm mặt hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục được giảm thuế về 0% theo lộ trình cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018
Chính phủ vừa ban hành nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018, với hàng trăm mặt hàng được cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%. Để được hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa trong ACFTA, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Bộ Công Thương quy định.
Thêm ưu thế cho nông sản ngoại
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo nghị định nêu trên, hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc và các nước ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0%. Cụ thể, các mặt hàng có thuế suất 0% như rau củ quả; cá đã được chế biến hay bảo quản; các loại thủy hải sản như tôm, ghẹ, cua, ốc, mực; ca cao và các chế phẩm từ ca cao; chế phẩm từ ngũ cốc, bột; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò, cừu, dê; gia cầm sống…
Tỏi Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước
Theo cam kết trong ACFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ, đưa về 0% khoảng 90% dòng thuế, có lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020.
Một lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) phân tích từ năm 2015, đã có rất nhiều dòng thuế về 0% theo cam kết trong ACFTA, nay có thêm một số mặt hàng khác giảm thuế nhập khẩu. Như vậy, nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN mới được giảm thuế suất sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng Việt trên sân nhà.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 21,3 tỉ USD. Phân tích từ thống kê các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam của Tổng cục Hải quan cho thấy DN trong nước nhập 45,3 triệu USD hàng thủy sản, 146,9 triệu USD rau quả. Đặc biệt, nhiều mặt hàng Việt Nam tốn cả tỉ USD nhập khẩu từ thị trường này như vải các loại 3,93 tỉ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1,38 tỉ USD; máy vi tính và sản phẩm điện tử linh kiện 4,1 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 6,5 tỉ USD; sắt thép các loại 3,2 tỉ USD…
Áp lực cạnh tranh tăng
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (tỉnh Đồng Nai), cho biết gần đây, người trồng xoài không chỉ tính đến nguồn cung nội địa mà còn phải “ngó” sang các nước trong khu vực để tính phương án cạnh tranh. Tùy thời điểm mà xoài Việt Nam xuất khẩu qua Thái Lan, Campuchia hoặc ngược lại. Trong khi đó, sau nhiều năm Việt Nam xuất xoài sang Trung Quốc thì mới đây, xoài mút Trung Quốc lại đổ qua Việt Nam, cạnh tranh mạnh với xoài nội.
Nhiều người dự báo sắp tới, nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc. Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), phân tích thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nên không ít thời điểm, thị trường thiếu hụt nguồn cung, phải bù đắp bằng hàng nhập khẩu. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt sắp tới, nông dân Lâm Đồng đang gặp bất lợi do quy mô sản xuất khó mở rộng, chi phí tăng, trong khi phía Trung Quốc tổ chức sản xuất ngày càng lớn nên giảm đáng kể giá thành.
“Để cạnh tranh với hàng Trung Quốc, HTX sẽ cung ứng nông sản cho các kênh phân phối có uy tín để người tiêu dùng có thể nhận diện và yên tâm mua” – ông Thừa nói.
Trong khi đó, nhiều DN cho rằng hàng rào kỹ thuật Việt Nam dựng lên đối với nông sản nhập khẩu không những ít mà còn thiếu chặt chẽ trong kiểm soát. Ngày càng phổ biến hàng không rõ nguồn gốc, tình trạng xoay vòng chứng từ nhập khẩu để đưa hàng vào các chợ đầu mối khiến hàng nội bị đẩy vào thế cạnh tranh không lành mạnh.
Đối với nhóm hàng thủy sản, vài năm gần đây, một số DN Trung Quốc còn đưa sản phẩm có lợi thế giá rẻ sang Việt Nam như cá rô phi, thủy sản chế biến… Khả năng cạnh tranh của những mặt hàng này sẽ tăng mạnh khi thuế suất giảm còn 0%.