Khó ký hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình
Nhu cầu thuê giúp việc gia đình ở TP lớn ngày càng gia tăng. Song hầu hết những người làm nghề này là lao động di cư, không được ký hợp đồng làm việc.
Khi mức sống ngày tăng cộng với áp lực công việc, nhiều gia đình, nhất là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ rất cần người giúp việc. Theo bà Anna Olsen – chuyên gia kỹ thuật Chương trình Tam giác ILO khu vực ASEAN, trên thế giới, cứ 13 phụ nữ làm công ăn lương thì có 1 người giúp việc gia đình GVGĐ.
Không biết mặt mũi hợp đồng lao động
Hiện các nước có khoảng 67 triệu lao động GVGĐ và hơn 80% là nữ, 73% trong số đó là phụ nữ di cư. Ở Việt Nam, nhu cầu GVGĐ ngày càng gia tăng và trở thành nghề phổ biến của những phụ nữ từ quê lên TP, với tỉ lệ 75%.
Khó ký hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình
Ngay tại phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), thống kê sơ bộ ở 12 địa bàn dân cư có trên 120 lao động GVGĐ tháng, nếu tính thêm những người làm theo giờ thì số lượng lớn hơn nhiều. Bà Đinh Thị Minh Huệ – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đồng Tâm cho hay: Những người GVGĐ chủ yếu chăm sóc người già, trông trẻ em, dọn dẹp nhà và đưa đón học sinh, lương trung bình từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng. Những ai chăm sóc người ốm nặng, lương tính theo buổi, thu nhập hàng tháng cao hơn rất nhiều
Với mong muốn có người hỗ trợ việc nhà siêng năng, thật thà, nên đa số gia chủ đối xử tốt với giúp việc. Chị Hoàng Thị Sửu (Việt Trì, Phú Thọ) đang giúp việc cho một gia đình ở phố Đại La (phường Đồng Tâm) chia sẻ: “Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi phải đi giúp việc, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, khoản tiền này có thể trang trải được tiền học cho con”. Đề cập đến vấn đề ký hợp đồng lao động, dù đã giúp việc gần 7 năm nay tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, chị cũng như chủ nhà chưa bao giờ bàn đến một hợp đồng lao động, mà chỉ thỏa thuận miệng, từ lương, thưởng hàng quí, hàng năm.
Thiệt thòi đủ đường
GVGĐ đã được coi là một nghề, tuy nhiên, trên thực tế có tới 89,7% GVGĐ không ký kết hợp đồng với chủ nhà. Điều này cũng dễ hiểu khi có tới 70% GVGĐ chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người lao động.
Theo thống kê, hiện chỉ có 3% người giúp việc tham gia BHXH. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) Ngô Thị Ngọc Anh đưa ra lý do: Ở Việt Nam chưa có hợp đồng tiêu chuẩn cho GVGĐ và người sử dụng. Định kiến của mọi người về GVGĐ còn nặng nề, chưa xem đây là một nghề. Trong khi đó, người giúp việc lại không muốn ký hợp đồng do thiếu hiểu biết hoặc không nắm được thông tin. Về phía chủ sử dụng lao động lại không muốn ký hợp đồng vì lắm ràng buộc.
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH Tống Thị Minh chỉ ra khó khăn trong việc ký hợp đồng giữa hai bên. Đó là, chủ sử dụng có thể là một thành viên trong hộ được ủy quyền; hoặc một người giúp việc làm cho vài gia đình trong một mái nhà nên không biết ký hợp đồng với ai. Đối với lao động từ 15 – 18 tuổi khi ký hợp đồng với nhà chủ, phải có người đại diện theo pháp luật cũng khiến họ ngại và bỏ qua thủ tục này. Tiếp xúc với người lao động giúp việc thông qua dự án của GFCD, bà Huệ cho biết: Ở phường Đồng Tâm chưa có chủ sử dụng và người giúp việc ký kết hợp đồng lao động. Chủ nhà không đồng ý vì đa số GVGĐ làm trong thời gian ngắn (vài chục ngày, vài ba tháng) nên chỉ muốn trả lương theo tháng. Trong khi, mục đích người giúp việc di cư muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nên không muốn tham gia BHXH.
Chia sẻ về lý do không ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH, chị Sửu nói: “Nếu tham gia BHXH, tiền lương sẽ bị giảm bớt phần nào, trong khi đó, cuộc sống hàng ngày rất cần tiền để trang trải”.
Để bảo vệ người giúp việc, mới đây, Bộ LĐ-TB&-H và một số tổ chức đã hội thảo tham vấn về hợp đồng lao động để có bản tiêu chuẩn với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, khi cả hai bên không muốn và không thống nhất ký hợp động lao động, thì e rằng, việc thực thi quy định là điều khó khả thi.