Huyện Sóc Sơn khẳng định sẽ thực hiện nhiều biện pháp trong đó có việc cấm người tham dự lễ hội mang gậy để hình ảnh tranh cướp phản cảm không tái diễn tại hội Gióng.
Trao đổi với báo chí tại buổi giao ban chiều 19/1, ông Đoàn Văn Sinh (Trưởng phòng Văn hóa huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, tại lễ hội Gióng năm 2015 đã xảy ra một số hình ảnh phản cảm khi người dân ẩu đả, tranh cướp giò hoa tre. Bên cạnh đó, do không quy hoạch nên chính quyền không quản lý được giá vé và để xảy ra tình trạng trông giữ xe bừa bãi.
Cũng theo ông Sinh, do không gian hẹp, nhân dân và du khách đến tham dự mỗi năm một đông hơn nên có sự chen lấn, xô đẩy làm mất đi sự trang nghiêm của lễ hội.
Cảnh tranh cướp lộc phản cảm tại lễ hội Gióng năm 2015. Ảnh: Văn Văn.
Đại diện huyện Sóc Sơn cho hay, để đảm bảo công tác quản lý lễ hội năm 2016, huyện sẽ tổ chức theo đúng quy định; không để diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Các đơn vị phục vụ có kế hoạch cụ thể trình UBND huyện thông qua, bố trí lực lượng thường trực trong suốt thời gian lễ hội…
Đặc biệt, công an huyện Sóc Sơn sẽ huy động lực lượng túc trực 24/24h trong thời gian lễ hội. Bố trí lực lượng bảo vệ đoàn rước kiệu giò hoa tre của thôn Vệ Linh, đoàn rước trầu cau của thôn Đan Tảo không để xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ông Sinh cho biết, đây là lễ hội của dân, do dân nên việc tranh cướp lộc giò hoa tre vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ban tổ chức sẽ cấm người tham gia lễ hội mang gậy vào bên trong nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn trong màn cướp giò hoa tre. Huyện cũng sẽ làm việc với các thôn làng để quán triệt các đội hộ giá có tư cách tham gia, chọn đội hình rước đảm bảo lễ hội diễn ra thuận lợi.
Lễ hội Gióng tại đền Sóc sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/2/2016 (từ 6 – 8 tháng Giêng âm lịch).
Trước đó (sáng 24/2), tại lễ hội đền Gióng 2015, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, đám đông hàng chục thanh niên lao vào giằng xé, xô đẩy nhau để tranh cướp lộc, một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống cầm thanh tre vụt vào đám đông tạo ra những hình ảnh hỗn loạn, phản cảm.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 31 trận địa ở 30 quận, huyện, thị xã vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2016.
Thời gian bắn pháo hoa kéo dài 15 phút bắt đầu từ 00 giờ 00 phút đến 00 giờ 15 phút, ngày 7/2/2016 (tức 29 tháng Chạp Âm lịch).
Trong 31 trận địa ở 30 quận huyện có 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao, 25 điểm tầm thấp. Các điểm bắn pháo hoa tầm cao tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, hồ Văn Quán…
Khác với năm 2015, đêm Giao thừa năm 2016, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân.
Trong đêm Giao thừa, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các địa điểm như vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ; trung tâm quận Hà Đông, Tây Hồ, thị xã Sơn Tây, trước sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và các địa điểm bắn pháo hoa khác.