Thông tin về việc Cty Việt Hưng đề xuất lấp hồ Thành Công (Hà Nội) để xây dựng nhà tái định cư đang gây xôn xao dư luận. Mặc dù ngày 10.4, Cty này đã lên tiếng giải thích, nhưng có một thực tế là số lượng ao, hồ tại Hà Nội ngày càng sụt giảm mạnh do san lấp để đô thị hóa. Trong vòng 50 năm qua, 80% diện tích mặt hồ tại Hà Nội biến mất và chỉ tính từ năm 2010 tới nay, 17 hồ bị san lấp hoàn toàn là vấn đề rất đáng báo động.
80% diện tích mặt nước biến mất trong 50 năm
Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp. Nhưng ở một góc độ khác, sự sụt giảm đáng kể về diện tích nước là do nguyên nhân yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến việc các ao hồ bị san lấp, lấn chiếm.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh – Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội – khẳng định là trong vòng 50 năm qua, 80% diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội biến mất, nhường chỗ cho các cao ốc, chung cư, đường giao thông… Đã có giai đoạn chúng ta không ý thức được giá trị của ao hồ, diện tích mặt nước bị thu hẹp dần theo tốc độ đô thị hóa.
Từ năm 2010 đến nay 17 hồ nước tại Hà Nội bị san lấp hoàn toàn
Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ), với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010. Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất TP (trên 30 hồ), trong đó có nhiều hồ lớn như Đống Đa, Ba Mẫu, Nam Đồng…, nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) 4 hồ đã bị san lấp. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm như hồ Linh Quang, Ao Phủ, hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án như ao Hào Nam. Các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Vài năm trở lại đây, không những diện tích mặt hồ bị thu hẹp mà nhiều ao, hồ đã biến mất trên bản đồ. Có thể kể đến như các ao: Trại Cá, Yên Hòa, Ải Bái Ân, nhiều ao tại khu Đồng Xa… Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Có thể kể đến quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Và hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010), chỉ còn 460ha.
Về hồ Thành Công, Cty Việt Hưng đã ra thông cáo báo chí ngày 10.4 cho biết: “Để đảm bảo tính khả thi của đồ án nhằm tăng tiện ích cho khu dân cư mới, tạo được quỹ đất sạch để triển khai được ngay nhà tái định cư mà không phải di chuyển dân đến các khu tạm cư, tránh gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Dự kiến hoán đổi toàn bộ diện tích khoảng 1ha đất trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân; hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, lấy ra được khoảng 1ha từ quỹ đất của công viên và hồ Thành Công”.
Toàn cảnh hồ Thành Công nhìn từ trên cao. Ảnh: TIẾN TUẤN
Dừng tình trạng “bêtông hóa” lá phổi của thủ đô
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 10.4, ông Văn Phú Chính – Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Ban Chỉ Trung ương về Phòng, chống thiên tai – cho biết: Các hồ ở Hà Nội nói chung và ở đô thị nói riêng ngoài mang chức năng “lá phổi” điều hòa, còn là không gian xả lũ, chứa lượng nước lớn khi thời tiết mưa lớn cực đoan. Đặc biệt với mật độ dân cư lớn, mật độ dân số/km cao, thì càng cần nhiều hồ để điều tiết tình trạng úng ngập cục bộ. Do đó, càng nhiều hồ chứa, càng đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai.
Theo PGS-TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội – các ao hồ làm chức năng điều hòa lượng nước mỗi khi mưa lớn. Nay nhiều ao hồ bị lấp, nên gần đây, tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn đã liên tiếp xảy ra.
“Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông, các nhà khoa học” – bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc CECR – nhiều lần kiến nghị. Được biết cách đây 10 năm, Hà Nội có hẳn một dự án lớn về việc xây dựng hàng loạt công viên cây xanh có hồ điều hòa. Thế nhưng chỉ số ít các dự án này hoàn thành đúng tiến độ. Còn lại đều dang dở hoặc ở dạng quy hoạch treo.
Điển hình nhất là dự án Khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông có quy mô khoảng 100ha, trong đó có một hồ nước hàng chục hecta. Khu công viên nằm tại hai phường Kiến Hưng và Hà Cầu với chức năng làm tổ hợp công viên thể dục thể thao giải trí hiện đại. Dự án được quy hoạch từ những năm 2006-2007 nhưng hiện nay vẫn đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. Thậm chí công viên này đã bị bêtông hóa bằng những công trình khai thác tạm thời.