Đối với hàng ngàn lao động nhập cư tại xưởng sản xuất đồ Giáng sinh lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, Noel là thời điểm bận rộn nhất.
Yiwu, nằm ở tỉnh Chiết Giang, cách thành phố Thượng Hải khoảng 360km được mệnh danh là “thị trấn Giáng sinh” vì quy tụ tới 600 xưởng sản xuất đồ trang trí cho dịp lễ này. Hàng hóa ở đây được tiêu thụ khắp thế giới, nhất là ở châu Âu, châu Mỹ.
Lao động tại các xưởng sản xuất này hầu hết đều đến từ những vùng quê nghèo khó ở Trung Quốc. Công việc của họ kéo dài từ 7h sáng tới 9h tối và nhiều người được trả công rẻ mạt, khoảng 12.000 đồng/giờ, tùy lượng hàng sản xuất mỗi ngày.
Zhao Yimin
Zhao Yimin, một cô gái 15 tuổi, có nhiệm vụ bó các sợi dây kim tuyến và số tiền công ít ỏi của cô sẽ được tự động cộng dồn vào phần lương của mẹ cô, người cùng làm việc trong nhà máy. Họ tới từ tỉnh Vân Nam, biên giới phía tây nam Trung Quốc, một trong những khu vực có cơ hội việc làm và thù lao thấp nhất cả nước.
“Chúng tôi đến Yiwu, vì đây là nơi chúng tôi có thể có cuộc sống tốt hơn”, Zhao nói khi đang lén đọc một cuốn sách giáo khoa trong lúc làm việc. “Tôi sẽ không làm việc ở đây mãi”.
Lao động tại các xưởng sản xuất đồ Giáng sinh được trả khoảng 12.000 đồng/tiếng.
Yang Gui Hua (18 tuổi) kiếm được khoảng 170.000 đồng cho 1 ngày làm việc kéo dài 14 tiếng đồng hồ tại một xưởng sản xuất các cây thông Noel giả.
“Đó là một công việc vất vả, nhưng khi tôi làm nhanh hơn, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”, cô nói. Theo cô, một số người có thể kiếm được nhiều gấp đôi cô, nhưng họ phải làm nhanh hết mức có thể.
Nhu cầu tiêu thụ các đồ trang trí Giáng sinh tại phương Tây rất lớn và những ông chủ triệu phú của các xưởng sản xuất này đủ thông minh để tạo ra những món đồ rẻ chưa từng có.
Một công nhân đang phun tuyết giả lên cây thông Noel
Một trong số họ là Reng Guo’an (42 tuổi) được coi là vua cây thông Giáng sinh của Yiwu. Reng là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc công ty Sinte An, nơi sản xuất ra hàng triệu cây thông mỗi năm và xuất khẩu khắp nơi trên thế giới.
Reng xây dựng nhà xưởng của mình ở ngoại ô thành phố cách đây khoảng chục năm và giờ thuê tới hơn 300 lao động nhập cư.
Một cây thông giả có chi phí sản xuất khoảng 285.000 đồng.
Reng giới thiệu với phóng viên Daily Mail một cây thông lòe loẹt nhất với những chiếc đèn màu nhấp nháy sáng chói trong phòng trưng bày của nhà máy.
“Đây là loại cây mà người Anh thích nhất”, Reng nói. “Tôi không biết tại sao. Tôi đoán là họ thích những gì nhấp nháy và phát sáng – càng rực rỡ càng tốt”. “Họ có sở thích trái ngược với người Mỹ. Người Mỹ thích cây thông của họ trông tự nhiên tới mức có thể”, Reng cho biết thêm.
Tại sân của nhà máy, một công nhân mặc đồ bảo hộ đang xịt tuyết giả lên những cái cây. Mỗi cây có chi phí sản xuất gần 285.000 đồng, trong đó có một nửa là tiền thuê nhân công.
Mỗi năm Reng gửi 5 container cây thông Giáng sinh tới Anh và thời điểm bận rộn nhất của nhà máy là từ tháng 4- 9.
Một món đồ trang trí được bày bán tại chợ bán buôn ở Yiwu.
Những công nhân ở trong ký túc xá của nhà máy và họ phải làm 6 ngày/tuần. Khi tiền thuê nhân công trên khắp Trung Quốc tăng, giữ chân được người làm là một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với những ông chủ như Reng.
“Năm tới chúng tôi sẽ chuyển tới một nhà máy mới có quy mô lớn gấp đôi và điều kiện làm việc cho công nhân cũng sẽ tốt hơn”, Reng hứa hẹn.
Một trong những chủ nhà máy thành công tại Yiwu là nữ doanh nhân Wang Shao. Bà đã nhìn thấy nhu cầu về đồ trang trí Giáng sinh ngày càng tăng kể từ khi bắt đầu sản xuất mũ ông già Noel và tất Giáng sinh cách đây 20 năm.
Mỗi năm, bà xuất khẩu hàng trăm ngàn món đồ sang Anh và Liên minh châu Âu.
“Gia đình tôi kinh doanh quần áo, nhưng tôi tới đây với một người bạn vào năm 1990 và nhìn thấy một cơ hội tốt trong ngành sản xuất những món đồ này”, bà nói.
Khi được hỏi liệu có tổ chức Giáng sinh cho riêng mình không, bà Wang chỉ cười lớn và nói rằng: “Tôi tin ở các vị thánh Trung Quốc chứ không phải các vị thánh phương Tây. Đối với tôi, Giáng sinh là công việc”.