“Tôi làm đúng luật nhưng hơi hèn. Đáng lẽ tôi xin ủy quyền làm ngay thì đến hôm nay đã làm được, đỡ phải đêm hôm nghe điện thoại muốn phát khóc”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt chia sẻ.
Bộ trưởng Thăng: ‘Tôi hết sức lo lắng cho ngành đường sắt’
Phát biểu tại Hội nghị sản xuất kinh doanh năm 2016 ngày 5/1, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt đã nhận khuyết điểm, xin chịu kỷ luật do chậm triển khai rào chắn tự động đường ngang, khiến tai nạn giao thông đường sắt tăng cao. Năm 2015, đường sắt xảy ra 261 vụ tai nạn, tăng 96 vụ (tăng 58%) so với năm trước, làm chết 214 người (tăng 53%), bị thương 86 người (tăng 100%).
“Tôi xin chịu trách nhiệm, kể cả kỷ luật. Tôi có lỗi, vì đáng lẽ chỉ cần xin ý kiến Bộ trưởng nhưng tôi xin ý kiến cả Vụ Khoa học và Công nghệ nên đến nay vẫn chưa được duyệt và đã có lúc tôi phải phát khóc lên”, ông Trần Ngọc Thành giãi bày khi đề cập việc chưa triển khai 300 đường ngang có rào chắn tự động đã được đầu tư năm 2015.
Chủ tịch Đường sắt Trần Ngọc Thành khẳng định ngành đường sắt sẽ đổi mới trong năm 2016. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Thành cho biết, năm 2015, sau khi thử nghiệm được 40 rào chắn thành công, Tổng công ty đường sắt đề nghị Bộ Giao thông đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai đồng bộ thì “vụ nọ đẩy vụ kia, thậm chí thuê tư vấn thẩm định mà vẫn không triển khai được”.
“Bộ bảo thuê tư vấn nhưng làm không xong, tôi đi thuê người khác chứ không thể làm kiểu này được. Tôi làm đúng luật nhưng hơi hèn, đáng lẽ tôi xin ủy quyền ngay thì đến ngày hôm nay đã làm được, đỡ phải đêm hôm nghe điện thoại muốn phát khóc lên”, ông Trần Ngọc Thành nói.
Sau khi chia sẻ, ông Trần Ngọc Thành đã đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng ủy quyền để Tổng công ty Đường sắt huy động ngay nguồn lực lắp ráp rào chắn tự động ngay trong đầu năm 2016.
Cũng trong hội nghị, Chủ tịch đường sắt khẳng định quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng… Ông Trần Ngọc Thành nêu ra chuyện ngành đường sắt đang lấy doanh thu của khối hành khách để bù cho hàng hóa, trong khi trên thế giới là ngược lại. Do đó, mục tiêu của ngành là đổi mới các phương thức vận tải hàng hóa để có lãi.
Tàu khách tuyến Hà Nội – Lạng Sơn. Ảnh: Bá Đô.
“Thói hư tật xấu là trước đây khách hàng đến phải cầu cạnh, xin xe, cấp xe… Chúng ta quấy nhiễu nhiều quá nên các khách hàng lớn của đường sắt bỏ đi hết. Các nhánh đường sắt vận chuyển hóa chất, apatit, ximăng… bị tháo dỡ hết. Vận tải hàng hóa mà chỉ có mỗi trục đường chính thì không khác gì con người thiếu chân tay, đi xe lăn”, ông Thành thừa nhận và cho biết, hiện đường sắt chưa vận dụng hết 5.000 toa xe các loại và còn năng lực chạy tàu ở một số đoạn lên 25 đôi tàu/ngày đêm thay vì 17 đôi tàu.
“Mới đây, Tổng công ty đường sắt đã tổ chức hội nghị tri ân khách hàng nhưng thực chất là để xin lỗi hành khách, cầu cạnh người ta quay lại để phát triển”, ông Thành nói.
Người đứng đầu ngành đường sắt khẳng định năm 2016 ngành sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn các năm trước. “Những năm qua chỉ là dọn nhà và năm 2016 mới là năm thay đổi của đường sắt. Nhiều lúc tôi không dám ốm. Các đồng chí không được ốm vì phải lăn lộn với sự phát triển của đường sắt. Dám hi sinh và làm thật, quyết tâm, dứt khoát không được trì trệ nữa. Tôi còn làm việc một phút ở đường sắt cũng phải hết mình”, ông Trần Ngọc Thành khẳng định.