Bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh hơn thế giới

VOV.VN -Tại Việt Nam, kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) với chủ đề “Hãy cảnh giác với bệnh đái tháo đường”. Tại đây, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới và tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.

Trên thế giới hiện có hơn 400 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và khoảng 5 triệu người tử vong vì bệnh này mỗi năm, tương đương với tỷ lệ cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh đái tháo đường, cứ 3 giây lại phát hiện thêm một bệnh nhân, cứ 6 giây lại thêm một người chết và cứ 20 giây lại có một người bị cắt cụt chi vì bệnh đái tháo đường.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65% và tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng nhanh hơn so với mức trung bình của thế giới.

dai_thao_duong_1_vov_xsfs

Các bác sĩ tư vấn và thử đường huyết miễn phí cho người dân tham gia lễ mít tinh

Bác sỹ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết: “Trước đây, người mắc bệnh thường ở độ tuổi ngoài 40 thì nay đang ngày càng trẻ hóa do lối sống tiêu thụ quá nhiều về thực phẩm, dẫn đến dư thừa năng lượng và lười vận động thể lực. Bệnh viện đã và đang điều trị nhiều trẻ em bị tiểu đường. Cách đây hơn 5 năm, bệnh viện điều trị cho em bé nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi, hiện nay cũng có nhiều bệnh nhân 13-15 tuổi, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở miền núi. Các em đến đây đều trong tình trạng dư thừa về cân nặng, bố mẹ chưa quan tâm đến dinh dưỡng của con. Nếu ăn một miếng pho mát phải đi 20 cây số mới tiêu thụ hết năng lượng nhưng các cháu lại lười vận động”.

Bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch… Tuy nhiên, có tới hơn 70% số ca bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng tránh được nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn.

Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam khuyến cáo người dân hãy đi khám sức khỏe thường xuyên và nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh.

“Những người béo phì, người bị tăng huyết áp, rồi loạn li-pít mỡ máu, phụ nữ đẻ con hơn 4 cân, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là những người cần được sàng lọc để chẩn đoán bệnh đái tháo đường vì đó là những người có nguy cơ cao. Nếu phát hiện, ngăn chặn từ lúc rối loạn chuyển hóa gluco trong máu thì sẽ sớm ngăn chặn được bệnh đái tháo đường”- Giáo sư Thái Hồng Quang nói.

Tại lễ mít tinh, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các cấp chính quyền và toàn thể cộng đồng quan tâm hỗ trợ hoạt động phòng chống bệnh này, tuyên truyền cho người thân, bạn bè và những người sống xung quanh thực hiện các biện pháp dự phòng.

Còn đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cam kết tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh đái tháo đường nói riêng, tập trung hỗ trợ kiểm soát các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu hoạt động thể lực. Đồng thời hỗ trợ ngành y tế đưa các dịch vụ điều trị bệnh đái tháo đường về tận trạm y tế xã, phường.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan