Những người quê miền Tây “tha hương cầu thực” đã quây tụ với nhau thành một xóm đặc trưng ngay giữa lòng Sài Gòn. Cư dân của xóm, ngoài công việc là thợ hồ xây dựng ở các công trình, họ còn tranh thủ giăng lưới đánh cá, bắt ốc ở các con kênh vùng ven để kiếm sống.
Những ngôi nhà lá nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng ở khu vực quận 2, TPHCM, là nơi ở của hàng chục hộ gia đình người miền Tây lên Sài Gòn làm thuê. Họ – người từ Cà Mau, kẻ đến từ Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhưng tụ họp ở đất Sài thành này cùng ngụ chung một khu vực, được biết với cái tên Xóm miền Tây. Và đúng như cái tên, khung cảnh hoang sơ, sông nước và những rặng dừa nước, cây cầu gỗ bắc qua kênh… của xóm này đều khiến ai đi ngang qua cũng “ngỡ” mình đang đến miền Tây.
Mò cua, bắt ốc… là công việc thường ngày của trẻ em trong xóm miền Tây
Gọi là xóm, nhưng chỉ cỡ chục mái nhà. Mỗi nhà được lợp bằng lá dừa nước, quây bốn góc bằng bạt che mưa gió, nền đất đặc trưng của những ngôi nhà đặc trưng của vùng sông nước, và để vào được xóm này, mọi người đều phải đi qua những chiếc cầu ván bằng gỗ bắc qua các con kênh, 2 bên là lau sậy…
Sống ở khu vực khá biệt lập, lại bị các tòa cao ốc bao vây nên xóm nhà lá thiếu thốn đủ thứ, nước phải đi mua, điện phải “xài ké” (dùng chung) và tự kê các tấm ván gỗ, để làm cầu dẫn vào.
Đa phần dân của xóm miền Tây đều làm công nhân xây dựng ở các công trình khu vực quận 2, số ít làm nghề buôn bán hàng rong, vé số. “Làm thợ hồ mệt lắm, nhưng có khi làm cả tháng mà chủ hết tiền không có tiền trả thế là đành đi vay mượn khắp nơi chống chọi cho qua tháng mới. Những tháng trời mưa nhiều, công trình ngưng làm thì chúng tôi cũng hết việc, hết tiền”. Anh Nguyễn Văn Sang (40 tuổi, quê Cà Mau), thợ hồ cho biết.
Làm công nhân xây dựng, thu nhập cao nhưng bấp bênh nên cuộc sống của những người ở đây không khá lên được. Tháng nào nắng cũng chỉ làm được mười mấy ngày, tháng mưa thì đành nghỉ ở nhà. Những bữa không có việc trong công trình, cánh đàn ông đi giăng lưới ở các con kênh nước đen vùng ven mong kiếm đôi con cá về làm thức ăn, những đứa trẻ lớn đi bắt ốc làm bữa ăn cho cả nhà.
Có những gia đình đã sống hơn 10 năm ở đây, con cái cũng lớn lên với “xóm nhà lá” này, mà không biết mặt chữ. Trong xóm, có khoảng chục đứa trẻ cao thấp, loắt choắt, chúng đã tự kiếm ra trò để chơi cùng nhau khi bố mẹ đi làm. Mới đây, có một lớp học từ thiện được mở ở gần xóm, những đứa trẻ này mới được gửi tới lớp để trẻ con có cơ hội biết chữ và bố mẹ cũng yên tâm hơn khi bươn chải mưu sinh…
Cùng “ghé” xóm miền Tây, thông qua ống kính của phóng viên
Xóm nhà lá nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng ở phường An Phú, quận 2, TPHCM.
Những người quê miền Tây lên Sài Gòn làm công nhân xây dựng ở các công trình khu vực quận 2.
Làm công nhân xây dựng, công việc không ổn định nên cuộc sống của các gia đình thiếu thốn đủ thứ. Những ngày công trình hết việc, cánh đàn ông lại đi giăng lưới bắt cá kiếm thức ăn cho cả nhà.
“Đôi khi may mắn thì có mớ cá rô về kho ăn được mấy ngày, nhưng nhiều bữa không bắt được cá thì phải đi hái mớ rau dại về luộc lên ăn với cơm”. Anh Qúy, quê Cà Mau chia sẻ.
Mấy đứa trẻ lớn cũng phụ giúp bố mẹ bằng việc đi mò cua bắt ốc.
Xóm khoảng hơn 10 đứa trẻ lớn nhỏ nhưng đều không được đi học. Dạo gần đây, có lớp học từ thiện được mở chúng mới bắt đầu được tiếp xúc với con chữ, phép tính.
Mái lá, vách được quây bằng các tấm bạt thừa, nền đất là đặc trưng của những ngôi nhà lá ở xóm người miền Tây.
Những đứa trẻ thường ra bãi rác gần đấy để tìm các đồ chơi bị vứt đi để chơi với nhau.
Để tiết kiệm không gian, xóm nhà lá chỉ có vài nhà vệ sinh. Dọc theo lối vào, 1 bên là phòng của các gia đình, một bên là “nhà vệ sinh” che tạm bằng tấm bạt.
Các gia đình mua sắm thùng về hứng nước mưa để dành dùng dần. Những tháng không có mưa, họ phải xách thùng đi mua hoặc xin nước ở khu lân cận.
Gia đình anh Tuấn, quê Cà Mau đã sống hơn 10 năm ở “xóm nhà lá” này. Mấy hôm nay hết việc, anh Tuấn tranh thủ đan mấy ró đánh cá để kiếm thức ăn cho gia đình.
Những “ngôi nhà” tuềnh toàng với đủ thứ đồ đạc bày biện 1 cách lộn xộn làm không gian căn nhà đã chật lại càng thêm chật. Nhà chị Thủy tới 4 người cùng sống chung, đồ đạc quý nhất là chiếc quạt chạy bằng bình nạp điện vào mùa nắng nóng.
Những ngôi nhà lá đặc trưng sông nước miền Tây giữa lòng Sài Gòn.
Đứa lớn trông đứa bé chơi tha thẩn ở bãi đất trống trước xóm cho bố mẹ đi làm thuê.