Sau 150 năm sử dụng, nhiều tuyến cống vòm được người Pháp xây dựng dưới lòng đất Sài Gòn bị xuống cấp, cần phải sửa chữa để bảo đảm an toàn.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM, hệ thống cống vòm cũ do người Pháp xây dựng từ năm 1870 dưới lòng đất Sài Gòn hầu hết đã hư hỏng, không còn chức năng thoát nước, lòng cống xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ gây lún sụp mặt đường rất cao. Để đảm bảo thoát nước và an toàn giao thông, Trung tâm Chống ngập đã thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và sửa chữa những vị trí hư hỏng cục bộ trên các tuyến cống vòm.
Cống vòm do người Pháp xây dựng cách nay 150 năm đến nay đã xuống cấp. Ảnh: Trung Sơn
Tuy nhiên, về lâu dài, những khu vực hư hỏng nặng cần phải thực hiện dự án thay thế. “Trung tâm đang làm chủ đầu tư thực hiện ba dự án cải tạo, thay thế cống vòm hiện hữu trên các đường Đồng Khởi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố cho biết.
Cũng theo đơn vị này, các dự án trên đều thực hiện trong khu vực trung tâm thành phố, gây khó khăn trong việc bố trí mặt bằng thi công, vướng nhiều công trình hạ tầng có liên quan nên phải cần nhiều thời gian để phối hợp xử lý. Dự kiến cuối năm nay các dự án này mới có thể khởi công.
Hệ thống cống vòm tại Sài Gòn do người Pháp xây dựng từ năm 1870. Cống lớn nhất ngang 2,35 m, cao 1,8 m và nhỏ nhất có tiết diện là 0,5 m x 0,5 m.
Cống vòm có tiết diện lớn được lắp đặt trên các tuyến đường xung quanh khu vực quận 5, 6 như đường Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương, Triệu Quang Phục, Hồng Lạc… Ở khu vực trung tâm, các đường Pasteur, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Phó Đức Chính… cống vòm có tiết diện trung bình 0,8 m x 1,8 m.
Tình trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống cống này được cho là nguyên nhân gây ra nhiều vụ sụp lún mặt đường trên địa bàn TP HCM.