Hà Nội có thể cần đến tàu cứu hộ tối tân để phòng trường hợp cứu hộ tàu ngầm gặp nạn. Tàu này còn có khả năng tiến hành nghiên cứu đáy biển, thực hiện các công việc ở độ sâu lớn, các công việc hải dương học và thủy văn, Izvestia dẫn một nguồn ngoại giao quân sự thạo tin cho hay.
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam
Bộ Quốc phòng Việt Nam dự định đặt mua của Nga một tàu tìm cứu tối tân lớp Projekt 21300S Delfin mà Ấn Độ trước đó cũng tỏ ra quan tâm. Các chuyên gia cho rằng, khiến Hà Nội quan tâm không chỉ có khả năng cứu hộ mà cả khả năng thủy văn của các tàu Nga vì chúng sẽ giúp Việt Nam có thêm căn cứ bảo vệ chủ quyền của mình đối với các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, một nguồn ngoại giao quân sự thạo tin tiết lộ với tờ Izvestia.
Theo nguồn tin, hiện nay, các chuyên gia quân sự Nga đang chuẩn bị hồ sơ chào hàng. Thư liên quan đã được phía Việt Nam gửi đến vào đầu tháng 10/2016. Trong thư có đặt vấn đề về giá cả của thương vụ tiềm năng, cũng như cấu hình trang bị của các tàu. Dự kiến, sau khi chuyển câu trả lời và phía Việt Nam nghiên cứu, đàm phán chính thức sẽ bắt đầu, nguồn tin cho hay.
Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga không đưa ra bình luận về thông tin này.
Tàu đầu tiên của lớp Projekt 21300S là Igor Belousov đã được đưa vào biên chế vào năm 2015, trong năm nay, tàu đã đến nơi hoạt động thường xuyên là Hạm đội Thái Bình Dương. Dọc đường, tàu đã thực hiện một chuyến đi có tính quảng cáo, kể cả các lần ghé thăm cảng của Ấn Độ và Việt Nam. Cả hai nước đang hợp tác tích cực với Nga trong lĩnh vực quân sự, cụ thể là mua tàu ngầm Nga. Tháng 8/2016, có tin Dehli quan tâm đến các tàu lớp này, còn nay theo gương người Ấn là Hải quân Việt Nam.
Nhà sử học quân sự Dmitri Boltenkov giải thích rằng, các tàu lớp Delfin được phát triển ngay sau vụ tai nạn tàu ngầm Kursk, bởi vậy, chúng được trang bị tất cả những trang thiết bị cần thiết để tiến hành các công việc ngầm dưới nước, kể cả các tàu lặn có và không có người lái, các khoang áp suất và thiết bị thủy âm.
“Việt Nam có cách tiếp cận rất trách nhiệm đối với việc xây dựng hạm đội tàu ngầm và họ cần có một tàu như vậy để phòng những tình huống bất thường. Nhưng chắc chắn, người Việt Nam sẽ mua tàu ở cấu hình giản hóa, chẳng hạn sẽ không có tổ hợp nước sâu đắt tiền hiện có trên tàu Igor Belousov”, ông Boltenkov nói.
Theo ông Boltenkov, điểm mạnh của các tàu Delfin là tính đa năng, điều đó chắc chắn đã được các khách hàng đánh giá cao.
“Chúng không chỉ tiến hành các công việc cứu hộ, mà còn giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Ví dụ, tàu Projekt 21300S có khả năng tiến hành nghiên cứu đáy biển, thực hiện các công việc ở độ sâu lớn, các công việc hải dương học và thủy văn. Điều sau cùng có thể đặc biệt quan trọng bởi lẽ Việt Nam đang có tranh chấp về chủ quyền các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông”, ông Boltenkov cho biết.
Tàu tìm cứu đa năng Igor Belousov
“Cho đến nay, Việt Nam luận cứ các tuyên bố chủ quyền bằng các bản đồ lịch sử, nhưng sau khi mua được các tàu Delfin, các số liệu nghiên cứu thủy văn có thể trở thành luận cứ mạnh mẽ”, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Anton Tsvetov nói.
Ông Tsvetov cho rằng về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, lập trường của Việt Nam rất cương quyết.
“Hà Nội đã nhiều năm tăng cường phát triển hải quân, trong đó có việc mua sắm vũ khí của Nga nhằm làm cho một chiến dịch tiềm tàng đánh chiếm đảo trở nên quá đắt đối với đối phương tiềm tàng và tăng mạnh rủi ro cho đối phương. Không loại trừ, với sự hỗ trợ của tàu Projekt 21300S, người Việt Nam sẽ tính toán thám sát đáy biển xung quanh các quần đảo để hiểu rõ hơn bề mặt đáy biển và trợ giúp dẫn đường cho tàu ngầm, hoặc là phục vụ nhu cầu củng cố công trình chẳng hạn”, ông Tsvetov nói.