Thủ tướng: Làm cái gì cũng phải nghĩ đến dân

Sáng 26-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

1-1482736887641

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Làm cái gì cũng phải nghĩ đến dân

Tại hội nghị, bên cạnh nêu bật những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã vượt khó đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra 8 nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch trong năm 2017.

Cùng với đó, “tư lệnh” ngành nông nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều kiến nghị, trong đó có đề nghị các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phân bổ tăng nguồn lực cho ngành nông nghiệp trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Đề nghị các địa phương ưu tiên chỉ đạo và dành nguồn lực cho 2 chương trình lớn của ngành, đó là tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để thu hút nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn.

Cũng tại hội nghị này, nhiều lãnh đạo địa phương cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo sửa đổi chính sách về đất đai để phá bỏ những rào cản về chính sách tích tụ ruộng đất, nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chưa bao giờ trong 10 năm qua, thiên tai dồn dập đến nước ta như vậy, với thiệt hại cho ngành nông nghiệp gần 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn nước ta trong những năm qua, đặc biệt là 30 năm đổi mới, nhất là năm 2016, vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp rất lớn vào an sinh xã hội. “Vì vậy chúng ta cảm ơn người nông dân, ngư dân, diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương, cùng với Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn trong điều kiện nhân tai và thiên tai như vậy”- Thủ tướng bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị này, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập, cần phải quyết liệt khắc phục.Theo Thủ tướng, những tồn tại, bất cập này đã được nêu ra rất nhiều, kể cả trên diễn đàn Quốc hội. Điều đầu tiên là hạn điền, khi mà tích tụ ruộng đất quy mô lớn chưa làm được. Tiếp đó là DN trong nông nghiệp và đi liền với đó là hợp tác xã chất lượng cao còn nhiều bất cập, yếu kém; lao động nông thôn còn quá lớn nên năng suất lao động còn thấp.

Thủ tướng cũng nêu ra hàng loạt những bất cập là rào cản để ngành nông nghiệp phát triển: Một nền nông nghiệp mà đầu vào còn nhiều bất cập: phân bón, thuốc trừ sâu, giống… chưa được quản lý tốt; thương mại điện tử trong nông nghiệp phát triển chưa chưa đáng kể. một nền sản xuất nông nghiệp cơ bản nhỏ, quy mô kinh tế hộ gia đình là chủ yếu; nạn phá rừng cũng đang là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển đất nước; những hồ chứa thủy lợi ở một số nơi như những quả “bom nước” lơ lửng trên đầu dân.

Tại hội nghị, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và mọi miền đất nước. “Phải tiếp tục mở đợt tấn công liên tục vào những kẻ hủy hoại rừng và xử lý nghiêm vi phạm”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng bất kỳ ai: nông dân, DN, nhà khoa học, cơ quan quản lý… làm được nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đều đồng ý cho làm, không có cơ chế xin-cho gì cả. “Nông nghiệp công nghệ cao có yêu cầu riêng, chúng ta không làm theo phong trào. Nhưng chúng ta dùng cơ chế bao cấp xin-cho, là không được”- Thủ tướng khẳng định.

“Gói tín dụng 50-60 ngàn tỉ đồng phân bổ ở nhiều ngân hàng sẽ sẵn sàng cho bất kỳ ai làm được nông nghiệp công nghệ cao vay để làm”- Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho rằng chúng ta phải xây dựng một nền nông nghiệp hướng đến giá trị hơn là sản phẩm thô không có giá trị, thương hiệu; một nền nông nghiệp phải hướng tới xuất khẩu, có lợi cho dân. “Chính vì vậy chúng ta hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh; một nền nông nghiệp hướng đến giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, đời sống ấm no cho nông dân”- Thủ tướng nói.

Về giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương phải khắc phục hạ tầng bức xúc (cơ sở hạ tầng ở các địa phương bị phá hủy bởi thiên tai); tổ chức 1 vụ đông xuân đặc biệt ở các tỉnh bị thiên tai; lo tết cho dân vùng thiên tai, không để đứt bữa, đói cơm.

Phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị chứ không phải chạy theo sản lượng. Tiếp tục tổ chức sản xuất với các hình thức sản xuất phù hợp, đó là thu hút các DN vào nông nghiệp, đặc biệt là tổ chức lại hợp tác xã nông nghiệp; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phát triển mạnh nông nghiệp chế biến; tiếp tục khai thác hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn: xây dựng các đặc sản địa phương, vùng, quốc gia, gắn với chỉ dẫn địa lý; tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp nông thôn.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển nông nghiệp nông thôn. Những thể chế nào, những chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát huy được hoặc chậm phát triển, Thủ tướng kiến nghị bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ. Còn cái gì thuộc thẩm quyền của trung ương, Bộ Chính trị, thì chúng ta kiến nghị.

“Cái gì là rào cản, kiên quyết kiến nghị bãi bỏ. Bãi bỏ là vì dân, vì nông nghiệp nông thôn. Đừng để thể chế, chính sách bất cập đó bắt chúng ta phải chạy theo mãi”- Thủ tướng bày tỏ.

Bản chất của xây dựng nông thôn mới là phải nâng sao đời sống nhân dân, chứ không chỉ xây dựng những công trình hạ tầng. Cả hệ thống chính trị phải quan tâm nông nghiệp, nông thôn. “Làm cái gì cũng phải nghĩ đến dân. Nhất là dân nghèo nông thôn, không được tái cơ cấu trên giấy. Không được tái cơ cấu nửa vời”.

Thủ tướng Chính phủ kết thúc phát biểu chỉ đạo của mình bằng việc dẫn lại câu nói nổi tiếng của GS Lương Định Của: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hồi trên đồng, mới thấu hiểu hết nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ gì có tính ứng dụng”.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan