Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu – chi ngân sách, đồng thời đồng ý điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm
Ngày 9-11, với 86,64% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí
Theo nghị quyết trên, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tài chính 5 năm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước; cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Cụ thể, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Ngoài ra, tiếp tục giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Phải bảo đảm an toàn nợ công với mục tiêu nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách hằng năm.
Về chi ngân sách, giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo; 2% tổng chi ngân sách cho khoa học – công nghệ.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được QH xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, nghị quyết yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu – chi ngân sách nhà nước; kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai; dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Quản lý chặt việc sản xuất, lắp ráp ô tô
Cùng ngày, QH đã nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, dự thảo luật đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề; bổ sung 15 ngành nghề; hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề; cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành.
Đáng chú ý, việc bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào kinh doanh có điều kiện được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận tại tổ. Theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với ý kiến này.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) phân tích nếu không quy định sản xuất, lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng lớn và vô tình sẽ khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, ô tô cũ. Việc này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chỉ rõ ô tô là sản phẩm tích hợp công nghệ phức tạp, đòi hỏi độ an toàn cao vì liên quan đến tính mạng của nhiều người tham gia giao thông; chất lượng ô tô còn liên quan tới bảo vệ môi trường. Vì vậy, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng ô tô không chỉ khi xuất xưởng mà còn trong suốt quá trình sử dụng.