Từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 10 sáng 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (QH). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.
Nâng cao hiệu quả công tác điều hành
Trước khi bước vào phiên giải trình và chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu trước Quốc hội về một số nội dung báo cáo giải trình về những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH)và cử tri cả nước quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.
Phát biểu trước phiên chất vấn Thủ tướng cho biết, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính, trật tự an toàn xã hội…
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương; kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả chi tiêu công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội; chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công; tăng cường phòng chống tham nhũng…
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực như Chính phủ đã báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp và nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Thủ tướng cũng báo cáo giải trình trước QH về một số vấn đề đồng bào và cử tri cả nước quan tâm như: Nợ công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý các doanh nghiệp thua lỗ; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, kiên quyết xử lý nghiêm công chức sai phạm…
Cương quyết xử lý cán bộ thoái hóa
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy.
Đây là vấn đề cấp bách, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu rõ: Cần có chủ trương hết sức cụ thể và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương; đẩy mạnh công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho (tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai); đẩy mạnh cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, chống thoái hóa biến chất…
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Quân (Hà Nội) về giải pháp xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết, nợ xấu là bài toán đặt ra trong nền kinh tế mà nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng phải làm.
Hiện nay, có hai vấn đề Chính phủ đặt ra: Một là phải có khung thể chế pháp lý trong quản lý nợ xấu, nhất là nợ xấu đã được đưa về VAMC; Hai là, phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới. Đồng thời, cần có giải pháp đồng bộ hơn để vấn đề nợ xấu được minh bạch và được giải quyết trong quá trình điều hành nền kinh tế, để quá trình đó sẽ giảm dần và có nhiều giải pháp đưa ra tiếp theo.
Chính phủ cũng đang xây dựng một đề án toàn diện nhằm xử lý vấn đề nợ xấu của Việt Nam và sẽ báo cáo với QH trong thời gian sớm nhất, để các ban, ngành điều hành nền kinh tế an toàn hơn.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Trả lời câu hỏi của ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng. Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chương trình hành động cụ thể giao cho từng ngành, địa phương và đã giành nguồn kinh phí cho chương trình này.
Tuy nhiên, nguồn lực hạn hẹp, bên cạnh huy động các nguồn vốn nước ngoài như vay ODA, Trung ương và các địa phương đều bố trí ngân sách, nguồn lực xử lý biến đổi khí hậu. Trong phạm vi của mình, Chính phủ tiếp tục lắng nghe để tiếp tục có hướng cho các giải pháp xử lý biến đổi khí hậu.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuật) đặt câu hỏi, Thủ tướng đánh giá thế nào và có giải pháp gì để đạt được mục tiêu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?. Thủ tướng cho biết, việc cấp phép doanh nghiệp, chúng ta đã có tiến bộ và cần tiến bộ hơn nữa; vấn đề tiếp cận tín dụng chúng ta tiếp tục đứng thứ 22; đăng ký quyền tài sản đứng thứ 59; khởi nghiệp đứng 121; về nộp thuế, chúng ta đã có tiến bộ nhưng vẫn đứng thứ 167; giải quyết vấn đề xoá nợ đứng thứ 125.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, ngành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Về giải pháp đột phá để Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường chung ASEAN trên mọi lĩnh vực, trong đó có thương mại và đầu tư, Thủ tướng nêu rõ: Cộng đồng ASEAN có 10 nước, được thành lập dựa trên 3 trụ cột kinh tế, chính trị – an ninh, văn hoá – xã hội. Chúng ta đã thể hiện trách nhiệm thành viên ASEAN khi chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng cộng đồng chung…
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ bức xúc về trách nhiệm quản lý Nhà nước với các dự án đầu tư từ ngân sách kém hiệu quả. Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật khiến hàng chục nghìn tỉ đồng vốn Nhà nước “tan thành mây khói” mà không quy được trách nhiệm cụ thể bộ, ngành nào. Chính phủ có giải pháp nào để tránh được tiêu cực này?.
Trả lời câu hỏi của ĐB Sinh, Thủ tướng nêu nhiều nhóm biện pháp, trong đó có tiến hành cổ phần hoá, song không phải cổ phần hoá bằng bất cứ giá nào; có những lĩnh vực quan trọng thì nhà nước phải nắm giữ. Đi liền với đó là công khai kiểm toán doanh nghiệp nhà nước. Hội nghị triển khai công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được tổ chức ngay sau kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ tìm giải pháp hữu hiệu để cổ phần hoá tốt nhất.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc làm thế nào để đạt GDP 2017 tăng 6,7% trong điều kiện đảm bảo ổn định vĩ mô, an toàn nợ công, Thủ tướng cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam còn thấp, thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD là còn nhỏ, vấn đề tăng trưởng liên quan nhiều yếu tố như giải quyết việc làm, nợ công.
Bối cảnh hiện nay có khó khăn, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức, cần sử dụng nhiều biện pháp về đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu Chính phủ, đẩy mạnh xuất khẩu… nhất là cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng cũng khẳng định thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là cần thiết để độc lập tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển các thế mạnh nông nghiệp, du lịch, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân thương hiệu Việt, tổ chức thị trường để không thua trên sân nhà. Đồng thời cho biết Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, bàn các giải pháp về tiếp cận tín dụng, đăng ký quyền tài sản, khởi nghiệp, nộp thuế, điện, hải quan…