Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố đã quy định 3 mức độ cắt tỉa cây xanh và cho rằng “nhiều khi phát triển tự nhiên còn đẹp hơn cắt tỉa cây xanh tròn vuông”.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng 7/12, đại biểu Vũ Ngọc Anh đã nêu vấn đề xung quanh việc thành phố tạm dừng cắt cỏ, tỉa hoa từ 1/7.
Ông này cho rằng, việc tạm dừng là để xây dựng quy trình, định mức, đơn giá hiệu quả hơn, trên cơ sở đó sẽ tổ chức đấu thầu, đặt hàng. “Nhưng thời gian qua, một số thảm cỏ ở dải phân cách, vườn hoa không được chăm sóc tốt. Cây cỏ mọc tràn ra lề đường, nhiều cây bị chết đã ảnh hưởng mỹ quan đô thị”, đại biểu Anh nói.
Cỏ mọc tràn ra vỉa hè đi bộ trên đường Trần Duy Hưng sau khi Hà Nội tạm dừng cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Võ Hải.
Đại biểu Ngọc Anh đề nghị UBND TP Hà Nội cần có giải pháp khắc phục vấn đề nêu trên, nhất là khi Tết nguyên đán Đinh Dậu đến gần.
Giải đáp chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, trước đây có nhiều công ty cùng đảm nhiệm việc cắt tỉa cây xanh tại một khu vực. Thành phố đã tạm dừng để kiện toàn, chỉ giao một công ty thực hiện.
“Từ 1/10, thành phố đã tiếp nhận phần việc của các doanh nghiệp trước đó. Đồng thời, tăng cường cơ giới hóa công tác cắt tỉa cây xanh, giảm chi cho ngân sách”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Dục thông tin thêm, thành phố quy định cắt tỉa cây xanh theo 3 mức độ. Một là, duy trì thường xuyên, đảm bảo xanh, sạch đẹp tại trụ sở các cơ quan trung ương và thành phố; trước cửa nhà ga T1,T2 sân bay Nội Bài; khu vực trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia; 4 công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất và Hòa Bình; 10 vườn hoa trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Hai là, chăm sóc, duy trì cây xanh với tần suất mỗi tháng một lần (không cắt tỉa cây) tại các công viên, vườn hoa, khu đô thị, dải phân cách, gồm cả nút giao và đảo giao thông, khu vực còn lại trên địa bàn 12 quận.
Ba là, chỉ thực hiện duy trì vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường, nhặt rác sinh hoạt. Việc thực hiện giao cho đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn, tuyến đường thực hiện. Công tác cắt cỏ đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông chỉ thực hiện khi có yêu cầu của thành phố tại 14 khu vực, tuyến đường, như: Đại lộ Thăng Long lý trình từ km4+900 đến nút giao Hòa Lạc; hai đầu cầu Thăng Long; dải phân cách đường 5 (từ Cầu Chui đến hết địa bàn huyện Gia Lâm); đường 5 kéo dài (từ km3+720 đến km7+650)…
“Hy vọng với những giải pháp căn cơ, việc duy tu công viên, vườn hoa, thảm cỏ sẽ đạt những kết quả khả quan. Nhiều khi phát triển tự nhiên còn đẹp hơn cắt tỉa cây xanh tròn vuông”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.
Trước đó ngày 15/8, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra thông tin mà ông cho rằng “nói ra nhiều người sẽ giật mình”, đó là chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ và một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng.
“Chi phí như trên là không thể chấp nhận được”, ông Chung nhấn mạnh.
Hà Nội sau đó tạm dừng cắt tỉa cây xanh khiến một số khu vực cỏ mọc tràn xuống vỉa hè, lòng đường. Đúng dịp tổ chức kỷ niệm giải phóng Thủ đô (10/10), Hà Nội cho cắt cỏ, tỉa hoa trở lại sau 3 tháng tạm dừng.