Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành trọn một ngày để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri TP HCM
Sáng 26-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ – huyện đảo duy nhất của TP HCM – trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV. Chủ tịch nước là đại biểu QH đơn vị số 1, phụ trách quận 1, 3, 4 nhưng đã xuống Cần Giờ để gặp gỡ, lắng nghe cử tri.
Không đánh đổi môi trường
Mở đầu buổi tiếp xúc, cử tri Trần Thị Kim Liên (xã Bình Khánh) cho biết cầu nối Cần Giờ – Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng. Do đó, bà Liên đề nghị sớm cho xây dựng cầu để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, đồng thời sớm nâng cấp tuyến đường Rừng Sác vì tuyến đường này đang xuống cấp trầm trọng.
Trong khi đó, ông Trần Minh Trấn, cử tri thị trấn Cần Thạnh, cho rằng hạ tầng cơ sở, giao thông tuy đã được đầu tư rất mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, vẫn còn một số dự án như khu du lịch lấn biển cần được triển khai nhanh hơn để tạo đà phát triển cho Cần Giờ. Cử tri cũng kiến nghị xây dựng một vành đai để ngăn nước biển dâng cũng như xây dựng một hồ chứa nước ngọt lớn cho huyện.
Trước những gửi gắm của cử tri, Chủ tịch nước bày tỏ: “Tôi lắng nghe tất cả ý kiến của bà con. Các ý kiến đều sâu sắc, tâm huyết. Không chỉ nghe, tôi còn ghi chép đầy đủ, sẽ tổng hợp và trao đổi với cơ quan chức năng của TP để sớm giải quyết”. Chủ tịch nước cũng vui mừng khi lần thứ hai trở lại Cần Giờ và thấy nơi đây ngày càng phát triển. Trước đây, Cần Giờ là “3 không”: không đường, không điện, không nước ngọt nhưng nay đã thành “3 có”. Với những lợi thế tự nhiên về rừng và biển, Chủ tịch nước cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế biển, du lịch là đúng đắn nhưng lưu ý cần phải hướng đến bền vững, quan tâm bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh quyển.
“Chúng ta phát triển kinh tế nhưng dứt khoát không đánh đổi môi trường. Chúng ta cũng dứt khoát không chạy theo lợi nhuận cục bộ để đánh đổi tất cả” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Liên quan đến ý kiến đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, Chủ tịch nước hoàn toàn đồng tình và chỉ đạo các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình như đường Rừng Sác, cầu Cần Giờ hay hệ thống kè biển vì đây là nhu cầu bức thiết của người dân.
Rút kinh nghiệm toàn diện
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4. Cử tri ở các quận này bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3, cho rằng vụ việc ở Đồng Tâm nếu người dân không có phản ứng gay gắt, chủ tịch UBND TP Hà Nội không trực tiếp đối thoại thì không biết bao giờ tiếng nói của dân mới đến tai lãnh đạo. Ông Châu đề nghị: “Từ các vụ việc như Formosa, Thép Cà Ná rồi Đồng Tâm, đòi hỏi QH phải tăng cường giám sát; đặc biệt là các dự án lợi dụng danh nghĩa quốc phòng nhưng không công khai, minh bạch”.
Cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cho rằng để xảy ra vụ việc các cán bộ, công an bị người dân giam giữ ở Đồng Tâm thực sự rất đáng tiếc. QH cần họp bàn, đánh giá tình hình thực tế để rút ra bài học kinh nghiệm. Còn cử tri Lê Văn Sỹ đặt câu hỏi tại sao lại để vụ việc kéo dài cho đến khi người dân bức xúc đến mức bắt người. “Phải xem xét kỹ các dự án có liên quan đến môi trường, đời sống người dân, nhất là phải công khai, minh bạch cho dân rõ” – ông Sỹ nói.
Không né tránh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai tương tự như ở xã Đồng Tâm đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành. Đây là vấn đề phức tạp, nhà nước cũng như các tỉnh, thành hết sức quan tâm giải quyết.
“Chúng tôi đã chỉ đạo TP Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện sau vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, từ nguyên nhân, quá trình xử lý và bài học rút ra” – Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước phân tích vấn đề quan trọng là phải nắm chắc tình hình, tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao xảy ra vụ việc. Từ đó, đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả, có tình có lý. Chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời giải thích cho mọi người hiểu chủ trương, chính sách, quyết định của nhà nước để có sự đồng thuận. “Giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng phải mở rộng dân chủ, lắng nghe dân, tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Tạo được sự đồng thuận trong dân thì chắc chắn vụ việc này đã không xảy ra” – Chủ tịch nước khẳng định.