Tổng cục Du lịch: Khách Tây Âu tăng trưởng chưa từng có

Mức tăng trưởng trung bình trên 20% của khách Tây Âu theo Tổng cục Du lịch đánh giá là chưa từng có với du lịch Việt Nam, cho thấy hiệu quả của việc miễn visa.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam cho biết mới 10 tháng đầu năm nhưng lượng khách quốc tế đã đạt bằng cả năm 2015. Đây là mức tăng cao cả về tốc độ tăng và giá trị tuyệt đối.

– Thưa Tổng cục trưởng, lượng khách quốc tế trong 10 tháng qua đạt hơn 8 triệu lượt, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả này có được do đâu?

Du lịch Việt Nam vừa trải qua thời kỳ sụt giảm lượng khách và gặp nhiều khó khăn suốt 13 tháng kể từ vụ giàn khoan 981 năm 2014. Sáu tháng cuối năm 2015 mới bắt đầu phục hồi. Đây là sự tăng ít nhiều mang tính quy luật, chu kỳ sau khi sụt giảm sẽ tăng.

Khi tình hình ổn định trở lại, du lịch Việt Nam có điều kiện tốt để phục hồi. Đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Điển hình là đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quỹ phát triển du lịch, cấp thí điểm visa điện tử, visa tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế…

Các địa phương chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém về quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cũng tiến hành chiến dịch khắc phục những hạn chế yếu kém từ ngay nội bộ ngành du lịch, quản lý chất lượng cơ sở lưu trú, lữ hành và hướng dẫn viên.

dsc-0492-ok-1400-1478173510

“Quý 1, khách quốc tế tăng 19-20%, quý 2 tăng 22-23% và quý 3 tăng 25%. Nếu năm nay, điều kiện thuận lợi, không có những biến cố bất thường vào hai tháng còn lại của năm thì khả năng du lịch Việt Nam sẽ đạt được 9,6 đến 9,7 triệu lượt khách, tăng 22-23% so với cả năm 2015. Chúng ta sắp cán đích gần 10 triệu khách du lịch quốc tế. Đây thực sự là một dấu mốc đối với ngành du lịch”, ông Nguyễn Văn Tuấn (phải) chia sẻ.

– Vậy tự thân ngành du lịch đã có những bước chuyển biến nào?

Quá trình thu hút đầu tư, tích tụ nội lực của ngành du lịch về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đã tăng lên rất nhiều trong 5 năm vừa qua. Đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao bởi các nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, Tuần Châu, Bitexco… tạo ra năng lực cạnh tranh đáng kể cho du lịch Việt Nam.

Đồng thời là sự vào cuộc của các địa phương, nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc… Có thể nói năm qua du lịch đã vượt qua giai đoạn khó khăn, suy giảm, và duy trì được đà tăng trưởng tương đối cao, ổn định, phản ánh năng lực cạnh tranh của chúng ta đã có bước cải thiện.

– Ngoài sự tăng trưởng về tổng khách quốc tế đến Việt Nam, có điểm gì khác biệt so với mọi năm không, thưa ông?

Hầu như các thị trường khách của chúng ta đều tăng, thị trường xa từ các nước Tây Âu được miễn visa tăng rất cao, khoảng 20%. Việc tăng tỷ lệ 20% với những thị trường xa như Tây Âu là điều hiếm có và chưa từng có ở Việt Nam, điều đó cho thấy chính sách miễn visa đã tác động trực tiếp như thế nào.

Một hiện tượng là năm ngoái, lần đầu tiên khách du lịch Hàn Quốc vượt qua con số một triệu lượt, năm nay dự kiến khách du lịch Hàn Quốc sẽ đạt 1,5 triệu lượt và trở thành thị trường rất quan trọng của du lịch Việt Nam.

Khách Trung Quốc sau một giai đoạn sụt giảm nhưng năm nay cũng tăng rất mạnh, mang tính bứt phá và chúng ta còn có thể tiếp tục khai thác.

– Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của khách Trung Quốc đối với du lịch Việt Nam?

Với dân số là 1,4 tỷ người, nhu cầu du lịch ra nước ngoài đang tăng lên rất nhanh, dự kiến là 120 triệu lượt năm 2016. Không quốc gia nào quan tâm phát triển du lịch mà không quan tâm đến thị trường khách Trung Quốc. Họ có khả năng chi tiêu rất cao, đặc biệt cho mua sắm và ăn uống.

Lượng khách Trung Quốc đến nước ta năm nay dự kiến đạt 2,6 triệu lượt, tăng cao so với các năm. Nhưng con số này vẫn rất khiêm tốn so với 9 triệu khách Trung Quốc đến Thái Lan, 4 triệu khách đến Nhật Bản, Hàn Quốc mặc dù chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn về khoảng cách, sự khác biệt về khí hậu, sản phẩm du lịch, hàng hóa có thể cung ứng. Chúng ta phải xác định, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam. Chúng ta không thể bỏ qua, mà phải tìm cách khai thác tốt để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa số lượng khách Trung Quốc nhưng gắn với công tác quản lý.

– Vậy làm gì để vẫn giữ được đà tăng trưởng khách Trung Quốc mà giải quyết tốt các vấn đề bấp cập xảy ra trong thời gian qua, thưa ông?

Thứ nhất là hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc theo hướng là khuyến khích khách Trung Quốc đến Việt Nam và tăng cả khách Việt Nam đến Trung Quốc, cùng quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho khách. Chỉ khi khách hài lòng, họ mới quay lại và tuyên truyền, giới thiệu cho những người bạn, người quen của họ đến Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến. Trong suốt các tháng vừa qua, chúng tôi đã làm việc này rất nhiều. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các chiến dịch phát động đến tất cả các thành phố lớn Trung Quốc và hợp tác với phía bạn đưa các công ty lữ hành, hãng báo chí tiếp tục sang khảo sát Việt Nam để tuyên truyền quảng bá trên diện rộng, cung cấp thông tin cho khách Trung Quốc.

Thứ ba, kiểm soát tốt hơn điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn, quản lý được khách du lịch Trung Quốc theo hướng đi vào nề nếp. Thời gian qua xảy ra các vấn đề mà bước đầu đã được khắc phục nhưng vẫn phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quản lý.

Thứ 4, đa dạng hóa dịch vụ, tạo ra nhiều cơ sở mua sắm một cách minh bạch và trung thực với chất lượng tốt để cung ứng hàng hóa cho khách du lịch Trung Quốc. Cùng với đó tăng cường quản lý hoạt động của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên theo quy định của pháp luật. Đồng thời có những chính sách mềm dẻo, linh hoạt hơn để đáp ứng được nhu cầu của thị trường này khi tăng cao đột biến trong một số thời điểm.

tong-cuc-du-lich-khach-tay-au-tang-truong-chua-tung-co-1

Khách đến từ các nước Tây Âu cũng liên tục tăng từ khi được miễn visa.

– Với khách quốc tế nói chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng chỉ ra 7 nỗi sợ khiến họ không dám quay lại Việt Nam. Theo ông, những nỗi sợ này đã được giải quyết đến đâu trong thời gian qua?

Tôi cho rằng năm 2016 là năm có bước chuyển biến khá tích cực trong vấn đề này, điển hình là ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Thanh Hóa.

Sự thành công của Thanh Hóa chính là việc chấn chỉnh và lập lại trật tự ở Sầm Sơn. Một nơi phức tạp như Sầm Sơn mà lập lại được trật tự thì tôi tin ở đâu cũng có thể làm được, nếu quyết tâm và có những giải pháp đúng, có sự đồng thuận trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên mức độ thành công, quyết liệt ở các địa phương có sự khác nhau. Đây là vấn đề lâu dài, thường xuyên, bởi chúng ta chỉ cần buông thì nó có thể lập tức trở lại.

Để giải quyết những nỗi sợ của khách nước ngoài đến Việt Nam cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Giải quyết những vấn đề tại điểm đến thì cơ quan quản lý ở Trung ương cũng như Thủ tướng chính phủ không thể làm thay địa phương các cấp được. Trách nhiệm của chúng tôi là tham mưu, đề xuất các giải pháp, kiểm tra, nắm bắt thông tin, có ý kiến với các địa phương để chấn chỉnh.

– Trong 2 tháng cuối năm, du lịch Việt Nam dự kiến sẽ làm gì để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng?

Để đạt được 9,6 triệu lượt khách trong năm nay, chúng tôi cho rằng nó hoàn toàn nằm trong tầm tay. Chúng tôi còn kỳ vọng hơn thế nữa, việc cần làm là đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, tập trung, có hiệu quả vào các thị trường trọng điểm. Tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề tại các điểm đến, làm sản phẩm thực sự đồng bộ, hấp dẫn.

Thứ ba, tiếp tục chiến dịch kiểm soát chất lượng dịch vụ trong hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú, các nhà hàng. Đây là công việc chúng tôi làm rất quyết liệt, và thành công. Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 22 khách sạn 4 sao và 3 sao trên khắp cả nước.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan