Kéo dài hơn 2.500 km, hệ thống hầm ở Odessa, Ukraine là mê cung hầm mộ lớn nhất thế giới, bên trong có chứa cả một bệnh viện và nhà hát.
Dưới lòng thành phố Odessa, Ukraine, là một hệ thống được cho là mê cung hầm mộ lớn nhất thế giới. Phần lớn không được vẽ bản đồ và lan tỏa khắp thành phố, mê cung này trải dài hơn 2.500 km. Nếu chuyển thành đường thẳng thì những đường hầm này có thể nối tới thủ đô Paris, Pháp – nơi có mê cung hầm mộ lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hệ thống hầm mộ ở Odessa dài gấp 5 lần so với công trình ở Paris.
Nếu kéo thẳng đường hầm thì hệ thống ở Odessa có thể dẫn tới thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Goneva.
Rất khó xác định thời điểm những hầm mộ đầu tiên được đào ở Odessa, tuy nhiên chúng đã mở rộng khắp nơi kể từ cuối thế kỷ 18, khi Catherine đại đế ra lệnh xây thành phố cảng bên bờ biển. Rất nhiều hầm mỏ lớn đã được đào để rút đá vôi và xây dựng phần móng của thành phố. Những đường hầm sâu hơn 30 m dưới lòng đất. Hầm mới được đào thêm mỗi khi hầm cũ rút hết đá vôi, quá trình này tạo nên mạng lưới các đường hầm.
Việc đào hầm tiếp tục xuyên suốt thế kỷ 19 và kéo dài tới đầu thế kỷ 20, mãi đến khi bùng nổ cuộc cách mạng Nga năm 1917. Hệ thống hầm mỏ rơi vào tay kẻ trộm cướp, những người lang thang dùng làm nơi họp mặt và buôn lậu hàng hóa. Có thời điểm các đường hầm đen tối này là nơi để buôn bán nô lệ.
Khi Đức quốc xã tiến đến Odessa và tàn sát người dân, các căn hầm lại trở thành nơi trú ẩn cho lực lượng Liên Xô, chống trả quân Phát xít. Chỗ trú trở thành không gian sống thoải mái nhờ quân du kích. Những căn phòng sửa sang lại, thắp sáng bằng nến để họ chơi cờ. Các phòng ở được chia riêng rẽ cho nam và nữ. Bếp được trang bị bếp lò làm từ đá vôi và khói được hút ra chỗ trống phía trên. Thậm chí trong lòng đất còn có cả một bệnh viện và nhà hát.
Có hơn 1.000 lối vào hệ thống hầm Odessa nên du khách muốn tham quan cần có hướng dẫn viên, nếu không rất dễ đi lạc và không ra ngoài được. Ảnh: Goneva.
Ngày nay, một số đường hầm được xây dựng lại, cho phép du khách tham quan, tìm hiểu về điều kiện sống của những người lính trước đây. Ở bảo tàng Partisan Glory gần Nerybayskoye có một căn hầm dài một km được bày rất nhiều vũ khí cũ kỹ, cùng nhiều hình nộm mô phỏng thời chiến.
Ước tính có hơn 1.000 lối vào dẫn tới mê cung của các đường hầm bí ẩn này. Nhiều nhà thám hiểm tới đây đã khám phá ra các đồ vật cổ như tiền xu, dụng cụ, mẩu vải vóc, đồ bếp, súng từ chiến tranh thế giới thứ hai, và nhiều tờ báo cũ…
Bước vào các đường hầm mà không có người hướng dẫn, du khách rất dễ bị lạc vào bóng tối và không thể thoát ra được.
Căn bếp với các đồ nấu được tìm thấy bên trong hầm. Ảnh: Panoramio.