Những cú sốc khi Việt kiều hồi hương lập nghiệp

Ngoài dòng máu Việt sẵn có trong người, một số Việt kiều cho biết họ phải cố gắng để thích nghi với phong tục, lối sinh hoạt địa phương trong những ngày đầu hồi hương lập nghiệp.

95914424ed74e4.img

Những cú sốc khi Việt kiều hồi hương lập nghiệp

ảnh minh họa

Anh Đôn Lê đã trở về Việt Nam cách đây 10 năm và hiện là người sáng lập một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. “Ngoài gia đình ở Mỹ thì tôi không có nhiều người bạn Việt lắm, nên chuyến trở về năm xưa là để tôi hiểu hơn về người Việt Nam. Ban đầu tôi chỉ định về khoảng 1-2 năm nhưng thời gian đã kéo dài nhiều hơn dự kiến. Một trong những lý do là tôi tìm thấy cơ hội để lập nghiệp tại quê hương”, anh nói.

Là người được đào tạo về tài chính và kỹ thuật ở Đại học Stanford, Đôn Lê lại bắt tay xây dựng một doanh nghiệp về giáo dục ở Việt Nam vì nhìn thấy tiềm năng ở lĩnh vực này, cũng như xuất phát từ đam mê sẵn có của bản thân. “Tôi muốn góp phần mang lại cơ hội hưởng thụ chất lượng giáo dục tốt cho những bạn trẻ Việt Nam như tôi đã từng được thụ hưởng tại Mỹ”, anh nói.

Đối với Nguyễn Anh Thư, cô về Việt Nam lần đầu vào năm 2006 để thực hiện một nghiên cứu ngắn hạn trong 2 tháng. “Trong lần quay lại thứ 2, tôi đã quyết định ở lại lâu dài hơn và phát triển công việc ở đây. Đến nay tôi nghĩ mình đã xây dựng được cộng đồng riêng ở Sài Gòn”.

Trong khi đó, MiMi Vũ cho biết chuyên ngành của cô là phát triển quốc tế và quản trị các quỹ phi lợi nhuận. “Do vậy tôi chỉ có thể phát huy khả năng của mình ở những nước đang phát triển như Việt Nam”.

Ban đầu MiMi Vũ chỉ định ở lại Việt Nam 2 năm rồi trở về Mỹ nhưng thời gian kéo dài đến nay đã hơn 10 năm. “Những đặc điểm ở Việt Nam khiến tôi rất yêu thích và cảm thấy phù hợp như ẩm thực rất ngon hoặc thời tiết Việt Nam rất dễ chịu chứ không lạnh lẽo như ở Mỹ. Kế đến, tôi cảm nhận vùng đất này rất nhiều năng lượng chứ không như những nơi khác mà tôi từng đến”, cô nói.

Nguyễn Anh Thư, chuyên gia về luật tại công ty luật Baker & McKenzie. Ảnh: CT.

Đối với doanh nhân Đôn Phan, lý do lớn nhất khiến anh quyết định sống lâu dài ở Việt Nam hình thành từ sau khi anh gặp người vợ ở quê hương. “Một lý do khác mà tôi quyết định ở lại Sài Gòn là tôi tìm thấy cơ hội kinh doanh và đến nay nó vẫn vận hành tốt. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là một quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong tương lai”, anh nói.

Thích thú khi được gọi là Việt kiều

Đôn Phan cho biết vợ của anh sinh trưởng ở Garden Grove nên “xung quanh cô ấy là cả một cộng đồng người Việt lớn hơn tôi rất nhiều”. Do vậy, những ngày trở về Việt Nam là dịp để anh thực sự được khám phá phần người Việt trong anh.

Theo MiMi Vũ, cô bắt đầu được gọi là Việt kiều chỉ khi trở về Việt Nam. Đối với cô, đó là cách để người khác tìm cách kết nối, điểm chung với mình dựa trên cùng nguồn gốc là người Việt. “Do cá tính và trang phục của tôi có phần thoải mái nên ban đầu nhiều người sẽ không biết tôi là người Việt. Họ tưởng tôi đến từ Singapore hay Philippines”.

“Được gọi là Việt kiều cũng là một trong những cách giúp chúng tôi khẳng định chúng tôi cũng là người Việt. Trong một số tình huống tôi sẽ là phong cách Mỹ, nhưng khi cần thì tôi cũng có thể mặc cả kiểu Việt Nam”, MiMi Vũ nói thêm.

MiMi Vũ, giám đốc phụ trách quan hệ đối tác tại Quỹ Pacific Links chống nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: CT.

Cô cho biết cuộc sống của gia đình ở Mỹ luôn đề cao gìn giữ các giá trị truyền thống của Việt Nam. Người trong gia đình cũng giao tiếp bằng tiếng Việt khi trở về nhà.

Khi được hỏi bản thân tự đánh giá thế nào về mức độ “phụ nữ Việt Nam truyền thống”, MiMi Vũ nói: “Tôi là người truyền thống theo cách mà tôi được giáo dục. Đó là trở thành người phụ nữ độc lập. Tôi độc lập về tài chính mà không cần xin xỏ bố mẹ. Bố mẹ tôi cũng không thúc giục chuyện cưới chồng”.

“Mẹ tôi bảo rằng ’Con cứ làm những việc con muốn hoặc con cho là ý nghĩa. Còn cưới chồng thì cứ từ từ rồi tính, cho đến chừng nào con gặp được người con thực sự yêu”, MiMi Vũ nói với Báo .

Tuy nhiên, MiMi Vũ nói việc xây dựng cuộc sống mới ở Việt Nam cũng là một thách thức. “Chúng tôi luôn học được mỗi ngày những cách để thích nghi với những sự khác biệt”.

Khó khăn

Đôn Lê cho biết một trong những khó khăn của anh trong những ngày đầu là tìm hiểu về sắc thái ngôn ngữ phản ánh mối quan hệ giữa mọi người rất đa dạng. “Tiếng Việt có rất nhiều từ để xưng hô, cho thấy ngay vị trí, vai trò của bạn như thế nào đối với người đối diện. Mà tôi thì lại chưa từng biết vì tôi và ba mẹ không nói chuyện bằng tiếng Việt khi ở Mỹ”, anh nói.

Doanh nhân Don Phan đã kết hôn cùng vợ và xây dựng gia đình ở Việt Nam. Ảnh: CT.

Cũng gặp khó khăn tương tự, cô MiMi Vũ cho biết tổ chức của cô có dự án trải dài từ Bắc vào Nam, nên cô phải giao tiếp với nhiều giọng nói ở các vùng miền khác nhau.

“Tôi phải học cách nghe người dân, đối tác ở miền Trung nói chuyện. Trong gia đình ở Mỹ thì mọi người vẫn giữ thói quen nói chuyện bằng tiếng Việt với nhau nên tôi cũng tự tin về vốn tiếng Việt của mình khi trở về Việt Nam, nhưng hoá ra là không như vậy. Không chỉ ngữ điệu mà còn là về từ vựng, mỗi địa phương lại có một từ khác nhau để gọi cùng một vật thể, như có nơi gọi là bát, nơi khác gọi là chén”, cô nói.

MiMi Vũ đang làm việc trong một tổ chức chống buôn người và hỗ trợ phụ nữ. Cô thường xuyên tiếp xúc các cấp địa phương ở những tỉnh vùng sâu. “Những ngày đầu mới tiếp xúc, tôi rất ngạc nhiên vì sao họ cứ thích mời mình ăn uống, tiệc tùng rồi nhậu như vậy. Sau đó tôi phải liên tục tìm cách chối khéo như em là phụ nữ nên không uống được”, Mimi Vũ cho biết.

Với Anh Thư, điều khiến cô mất một thời gian dài để tìm hiểu khi mới trở về Việt Nam là phải nắm được ẩn ý đằng sau lời nói. “Nhiều khi họ nói như vậy nhưng thực ra lại không nghĩ vậy. Chẳng hạn khi tôi mời họ ăn cam thì họ từ chối lịch sự. Nhưng một người dì của tôi ‘chỉnh’ ngay là nếu tôi thực sự muốn mời họ thì phải gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ rồi mời chứ không phải đưa họ cả quả cam”, cô kể.

Trong khi đó, một kỷ niệm vui với Đôn Phan trong quá trình thích nghi với lối sinh hoạt của người Việt lại liên quan đến số điện thoại cá nhân. “Khi tôi trao đổi danh thiếp, nhiều người nhìn ngay vào số điện thoại của tôi và bảo rằng ’sao lại chọn số xấu thế’. Ban đầu tôi cũng không để ý lắm, nhưng khi lời nhận xét này lặp đi lặp lại nhiều lần thì tôi phải lưu tâm”, anh nói.

Theo anh, một số người Việt cho rằng số điện thoại đẹp sẽ giúp việc làm ăn của họ thuận lợi hơn. “Cuối cùng thì tôi cũng sắm cho mình một đầu số được cho là đẹp”, Đôn Phan nói.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan