Thủ tướng: Kiên quyết đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu…

“Phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ, vô cảm, cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa con người Việt Nam”, Thủ tướng chỉ đạo.

Nhiều thành tựu nổi bật của văn hoá, thể thao và du lịch

Sáng 12/1, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị cũng được tổ chức tại các điểm cầu Đà Nẵng, TP. HCM.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ những nỗ lực và thành tích mà toàn ngành VHTTDL đã đạt được trong năm 2016. Cụ thể, về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Trong năm 2016, di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hai di sản “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” và “Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh)” được ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới.

img-3698-resize-1484215546283

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì Hội nghị tổng kết công tác văn hoá, thể thao, du lịch sáng 12/1. Ảnh: HN.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng 13 di tích quốc gia đặc biệt, 14 bảo vật quốc gia. Đã có 21 di tích quốc gia được công nhận , 53 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thông tin cổ động tuyên truyền chính trị, phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước. Công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam được tập trung chỉ đạo, đánh dấu quan trọng về nhận thức, tư duy chiến lược về quản lý văn hóa trong tình hình mới.

Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng bá du lịch thông qua các Tuần phim Việt Nam ở trong và ngoài nước. Sự kiện Liên hoan phim phim Quốc tế Hà Nội năm 2016 đã thu hút 146 phim của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 30.000 lượt khán giả theo dõi và hơn 200 đại biểu quốc tế tham dự các sự kiện của Liên hoan Phim. Thực hiện tốt công tác thẩm định kịch bản phim, duyệt, cấp phép phổ biến phim.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành việc tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Các Nhà hát trực thuộc Bộ dàn dựng, biểu diễn 39 chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Chủ trì, phối hợp với các Hội chuyên ngành tổ chức tốt nhiều cuộc thi, triển lãm ở trong và ngoài nước.

Thể thao Việt Nam trong năm qua đã đạt được những thành tích nổi bật: Các vận động viên đội tuyển quốc gia giành thành tích cao tại các giải thể thao ở khu vực, châu lục và thế giới với 482 HCV, 385 HCB, 345 HCĐ. Lần đầu tiên trong lịch sử Thể thao Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại Olympic và Paralympic với thành tích xuất sắc của VĐV Hoàng Xuân Vinh giành 01 HCV, 01 HCB và phá kỷ lục Olympic, đưa đoàn Thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 48 tại Olympic Rio 2016; VĐV Lê Văn Công và đoàn thể thao Người Khuyết tật Việt Nam giành 1HCV, 1HCB, 2HCĐ, đứng thứ 55/162 quốc gia tham dự.

Đại diện các đầu cầu cũng có những báo cáo hết sức cụ thể lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Ảnh: HN.

Đại diện các đầu cầu cũng có những báo cáo hết sức cụ thể lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Ảnh: HN.

Đội tuyển Bóng đá Futsal nam lọt vào tứ kết World Cup Futsal thế giới; đội bóng đá U19 nam quốc gia đồng hạng ba giải vô địch Bóng đá nam U19 Châu Á, chính thức giành quyền tham dự Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá U20 thế giới năm 2017 tại Hàn Quốc; VĐV Bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên giành 01 HCV và phá kỷ lục giải Vô địch Bơi châu Á; VĐV bóng bàn Nguyễn Anh Tú giành 01 HCV tại giải vô địch Bóng bàn Đông Nam Á…

Lĩnh vực du lịch, năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục mới: tổng số khách nhiều nhất và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (trên 2 triệu lượt, so với trung bình 580 nghìn lượt trong giai đoạn 2010-2015).

Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành VHTT&DL cũng còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế và bất cấp.

“Văn hóa không thể đi sau kinh tế”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn ngành VHTTDL đã gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực được giao một cách toàn diện trong năm 2016.

Thủ tướng đánh giá, năm 2016, ngành VHTTDL đã chủ động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực được giao.

Thủ tướng chia sẻ, Thủ tướng luôn theo dõi từng bước chân của các cầu thủ Việt Nam, vận động viên của Việt Nam trên các đấu trường. Lĩnh vực du lịch đạt kết quả đáng khích lệ, tiếng kêu của người dân về những mặt tồn tại, bất cập đã được khắc phục một bước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HN.

Theo Thủ tướng, ngành VHTT&DL cần coi trọng nhân tài, phải đầu tư chiến lược, đầu tư chiều sâu để tạo nên các tác phẩm. Vấn đề chiêu hiền đãi sĩ không chỉ ở ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo mà cả trong ngành VHTT&DL.

Vì vậy, cần đặt văn hóa có vị trí ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu trong sự phát triển đất nước. Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm bền vững hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

“Văn hóa không thể đi sau kinh tế. Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể tồn vong và phát triển bền vững được. Chính vì vậy, trong sự nghiệp phát triển văn hóa, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, không chỉ là hạt nhân cơ bản sáng tạo ra văn hóa mà đồng thời còn là đối tượng thụ hưởng, chịu sự tác động chi phối của nền văn hóa đó”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh việc phát triển toàn diện nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật… thì phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ, vô cảm, cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa con người Việt Nam.

Chính vì vậy, ngày nay, ngành văn hóa phải làm sao tạo ra những hình tượng con người mới, hình ảnh đất nước con người Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế.

Phải chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và chính quyền các cấp ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xóa bỏ các rào cản cho phát triển văn hóa. Những gìn giữ văn hóa Việt Nam trường tồn trong hội nhập, chúng ta tiếp tục vun xới, giữ gìn, phát huy, những gì là rào cản thì cần khắc phục.

Phải tập trung phát triển những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thể thao giải trí, du lịch văn hóa… từng bước hình thành, phát triển công nghiệp văn hóa, đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước.

Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng văn hoá trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hoá, nâng cao giá trị văn hoá trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tìm nguồn lực bổ sung cho văn hóa, thể thao và du lịch từ xã hội hóa.

Tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, giữ gìn phát huy truyền thống đạo lý dân tộc trong quan hệ gia đình, dòng họ, gắn bó có trách nhiệm giữa các thế hệ trong gia đình, quan hệ vợ chồng lành mạnh, văn minh, không có bạo lực trong gia đình.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Quan tâm phát triển văn học nghệ thuật; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Phải chủ động đấu tranh chống văn hóa phẩm độc hại. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đề cập đến tình trạng nghèo nàn đơn điệu về đời sống văn hóa ở nhiều nơi, Thủ tướng nhấn mạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp. “Tôi nói tồn tại này để các địa phương cùng với ngành văn hóa phải lo cái này tốt hơn. Công nhân đi làm từ sớm tới khuya, 8-9 giờ tối mới về, chỗ ăn không có, chỗ tập không có, chỗ xem không có. Nhà ở không có phải đi thuê. Có phải khuyết điểm này là của chúng ta hay không? Tôi với anh Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng trăn trở cái này nhiều lắm. Chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó để đáp ứng lời nói và hành động này”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng chia sẻ và nhất trí với 14 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành VHTT&DL nêu ra, đồng thời mong muốn ngành đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ quý I/2017.

Thủ tướng đề nghị ngành VHTT&DL có biện pháp để trả lời 5 câu hỏi: Làm thế nào để du khách ngày càng tìm đến các địa điểm du lịch của Việt Nam đông hơn?

Làm thế nào để khách ở lâu hơn thay vì phải rời đi sớm?

Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu?

Làm thế nào để khách kể lại những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi chứ không phải kể xấu hay chê bai về Việt Nam?

Làm thế nào để khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục ngay những việc là nỗi lo sợ của du khách như chèo kéo, chặt chém… Cần gắn văn hóa, du lịch, thể thao với APEC 2017.


Cuối buổi làm việc tại Bộ VHTT&DL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh.

Cuối buổi làm việc tại Bộ VHTT&DL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chung tay với ngành VHTTDL tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển bằng các biện pháp như chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn cho đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa; cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ sáng tạo, quảng bá văn học nghệ thuật…

Thủ tướng tin tưởng “những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng ngành, xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển”.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan