Giờ thì ông Bí thư phố Hội đã về hưu. Mỗi sáng, ông ngồi quán cà phê quen, với nhóm bạn cà phê “doanh nghiệp có, thất nghiệp có” của mình, nói đủ thứ chuyện trên đời. Tôi không còn thấy một Nguyễn Sự lúc nào cũng bận rộn, lo toan sau khi về hưu. Nhưng Nguyễn Sự thẳng thắn và bộc trực thì vẫn thế, tuyệt nhiên không bao giờ thay đổi…
“Gần 1/4 thế kỷ làm lãnh đạo, tôi thấy dài lắm…”
Tôi còn nhớ, hai năm trước, khi tôi lần đầu gặp anh, chúng ta cũng ngồi tại quán cà phê ven phố Hội này, trong một buổi sáng như thế này. Khi đó anh vẫn là Bí thư Thành ủy Hội An. Anh nói với tôi về tình yêu với Hội An, về những nỗi trăn trở của anh, về khao khát của anh mong được cống hiến cho thành phố này. Thế mà không lâu sau đó, tôi đọc báo và biết tin anh đường đột xin nghỉ hưu sớm…
– Thật ra đó chưa bao giờ là một quyết định đường đột như chị nghĩ. Vì thực tế tôi đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ lâu lắm rồi. Năm 2010, khi Đại hội Đảng bộ diễn ra, dù tái cử Bí thư Hội An, nhưng tôi đã nói trước với anh em trong BCH: Tôi sẽ làm thêm nửa nhiệm kỳ và nghỉ.
Năm 2013 và 2014, tôi đã hai lần đề cập lại vấn đề này với thường vụ tỉnh Quảng Nam, nhưng các lãnh đạo đều không đồng ý. Cả anh em lãnh đạo ở Hội An thời điểm đó cũng không ủng hộ tôi. Tôi thêm một lần nữa chấp hành.
Nhưng đến đầu năm 2015, tôi thực sự quyết liệt với chuyện về hưu và hiểu mình không nên chần chừ lâu hơn nữa. Vì tôi ý thức được là mình đã làm quá lâu trên cương vị này! Tính cả thời gian làm Chủ tịch, Chủ tịch HĐND và Bí thư thành phố, tôi đã làm lãnh đạo Hội An 21 năm. Đó là gần ¼ thế kỷ đấy! Chị có hiểu nó dài đến mức nào không?
Cái lợi của việc ngồi quá lâu ở vị trí lãnh đạo Hội An là tôi hiểu rõ mọi ngóc ngách và con người ở Hội An. Nhưng cái bất lợi là sự lãnh đạo của tôi có thể sẽ như một thói quen. Mà, đó là thói quen có thật: thói quen sợ sự đổi mới! Nó sẽ cản trở sự phát triển của Hội An. Ngày nào tôi còn ngồi ở đây, thì ngày đó, anh em cấp dưới sẽ còn vì ngại ngần này kia mà dè dặt trong việc thể hiện quan điểm của mình.
“Tôi nghỉ hưu, cũng là cơ hội để cho những người trẻ thích nghi và phát triển”
Tôi nghỉ hưu, cũng là cơ hội để cho những người trẻ thích nghi và phát triển. Và, bên cạnh cái chung đó tôi cũng có lý do riêng. Tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Hội An. Nhưng lại không có thời gian cho bản thân và gia đình. Đó sẽ là một bi kịch nếu tôi không thể dừng lại. Tôi nghĩ rằng, tôi đã có 40 năm trời để tổ chức quyết định cuộc đời mình. Thời gian còn lại, tôi muốn tự quyết định mọi thứ.
Thế nghĩa là trước thời điểm xin nghỉ hưu, anh đã bắt đầu thấy mệt mỏi với cương vị của mình?
– Chị có tin không, nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ thôi làm việc, chưa bao giờ ăn bớt giờ của cơ quan cho đến tận ngày cuối cùng tôi rời nhiệm sở, vì sự đau đáu với mảnh đất này, ngay cả khi đã nghỉ hưu vẫn còn nguyên tinh thần đó. Nhưng, tôi luôn lo sợ một ngày tôi không còn đủ sức khoẻ và tinh thần để làm việc. Và tôi muốn chủ động rút lui, trước khi điều đó xảy ra. Giờ nghĩ lại, tôi có thể tự hào, vì tôi đã không lãng phí bất cứ một phút giây nào trên cương vị của mình, kể cả trong những ngày cuối cùng.
Năm đầu tiên tôi làm Chủ tịch, không bao giờ tôi về nhà trước 12 giờ đêm. Mẹ tôi và vợ tôi bao giờ cũng chờ tôi về ăn cơm cùng rồi mới đi ngủ. Cứ thế 21 năm, cho đến tháng 6/2015, tôi rời khỏi vị trí Bí thư Hội An. Nhưng tôi chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016, vì lúc đó tôi vẫn còn là Chủ tịch HĐND và vẫn phải bàn giao lại công việc cho người kế nhiệm.
Trước 5h chiều ngày 31/12/2015, ngày làm việc cuối cùng, giờ làm việc cuối cùng, tôi vẫn chủ trì buổi họp cuối cùng, giải quyết công việc cuối cùng trước khi rời nhiệm sở. Sau đó, tôi trở về nhà, dùng bữa cơm tối với gia đình. Buổi tối đầu tiên của một người hưu trí…
Và anh thấy bữa cơm của ngày hôm đó, buổi tối của ngày hôm đó có khác gì với những buổi tối khác trước đây?
– Đó là bữa cơm của một gia đình bình thường. Tôi vui vẻ trò chuyện với vợ con, chơi đùa với các cháu. Không còn gì suy tư, không còn gì lo nghĩ về công việc ngày mai. Cũng không còn những cuộc điện thoại triền miên, không còn những căng thẳng, cáu gắt vô cớ vì công việc. Tôi thanh thản!
Tôi luôn tin rằng quyền lực có một thứ ma lực với tuyệt đại đa số con người. Chưa nói đến lợi ích mà quyền lực đó đem lại, nhưng việc nắm trong tay quyền quyết định, việc là người được ăn to nói lớn, được là người nắm quyền sinh quyền sát vẫn đủ khiến người ta bị mê hoặc và ám ảnh. Nên chuyện nghỉ hưu, với người bình thường khó một, thì với quan chức như anh sẽ khó gấp nhiều lần, anh có thấy thế không?
– Sẽ là nói dối nếu tôi nói là tôi không buồn. Nhưng tôi thực tâm không tiếc cái ghế bí thư, vì nếu tiếc, tôi đã không lựa chọn. Tôi chỉ buồn và nhớ lắm khi không còn được chia sẻ với những cộng sự về nỗi trăn trở của mình.
Những dự định của tôi với thành phố, những mong muốn của tôi với thành phố cũng không dễ dàng thực hiện được như trước đây. Tôi cũng thấy hụt hẫng, vì mình không còn bận rộn, không còn bị công việc thúc ép. Đó là sự trống trải ghê gớm, vì tôi đã làm việc suốt 21 năm trời không nghỉ. Tôi mất gần 2 tháng trời để quen với cuộc sống mới.
Và anh làm gì để thích nghi với cuộc sống sau khi về hưu?
– Buổi sáng, tôi dậy tập thể dục, ăn sáng và đi cà phê, nói chuyện trời bể với bạn bè đến 9-10 giờ. Sau đó tôi về nhà cho chim ăn, ăn cơm rồi ngủ trưa. Tôi thích tưới cây mỗi buổi chiều. Vì dần dần mỗi ngày, tôi nhận ra việc tưới cây không chỉ đơn giản là tưới cây. Đó giống như là lột xác. Ý nghĩ mình đang giúp những cái cây lột xác mỗi ngày khiến tôi hạnh phúc. Tôi dành thời gian chơi với cháu nội, dành thời gian xem phim mỗi tối – điều tôi không làm nhiều năm nay. Và, tôi có một đam mê bất tận trong quãng thời gian này: tôi đọc sách!
Tôi được nhận hơn 300 triệu sau khi nghỉ hưu sớm. Đó là số tiền vô cùng lớn với tôi. Nhưng ngay sau đó, tôi đã dùng 100 triệu để mua sách. Sách triết học, lịch sử, nghiên cứu, văn học… thậm chí là sách lá cải, tôi cũng đọc. Tôi đọc và nghiền ngẫm, khám phá ra cuộc sống với những góc nhìn mà trước đây tôi chưa tường tận!
Còn về chuyện kinh tế thì sao? Anh vốn đã chẳng giàu có gì khi còn đương chức. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về ngôi nhà lợp gianh của anh vài năm trước. Vậy đến khi về hưu, anh xoay sở thế nào với số lương hưu ít ỏi của mình?
– Thật ra bây giờ tôi không có nhiều gánh nặng. Thu nhập của tôi bây giờ giảm đi, nhưng tôi cũng không bao giờ cảm thấy thiếu. Vì những việc lớn như chuyện lo con cái ăn học như ngày xưa, giờ tôi không phải lo nữa. Các con tôi đều đã có công ăn việc làm. Một đứa mở cửa hàng bán đồ điện tử. Một đứa mở công ty điện dân dụng chuyên thi công các công trình lớn nhỏ.
Con cái đã trưởng thành và tự lập. Nên giờ hai vợ chồng tôi chỉ phải lo cho nhau. Mà tôi cũng có một người vợ tuyệt vời. Kể cả là bao năm qua hay đến bây giờ, chưa một lần nào vợ tôi kêu với tôi là nhà thiếu tiền (cười)!
“Tôi vẫn không bao giờ có quá dăm trăm, một triệu trong túi”
Hai năm trước, lúc anh còn là Bí thư, tôi từng hỏi anh: “Trong ví của anh có bao nhiêu tiền”. Và hôm nay, khi anh nghỉ hưu, tôi vẫn muốn hỏi lại anh câu đó?
– Tôi vẫn không bao giờ có quá dăm trăm, một triệu trong túi. Nhưng khác với ngày xưa, bây giờ tôi chẳng phải tiêu pha gì, nên trong túi lúc nào cũng có tiền. Nhóm bạn cà phê mỗi sáng của tôi bây giờ có gần chục người, cán bộ đương chức cũng có, doanh nghiệp cũng có, thất nghiệp cũng có. Nhưng không một ai cho tôi trả tiền cà phê.
Ngày xưa lúc tôi còn đương chức, anh em không bao giờ dám đưa tiền cho tôi. Nhưng bây giờ, cứ vài tháng, anh em lại đề nghị: “Anh Sự cầm dăm ba trăm tiền uống cà phê?”. Cũng có lúc tôi cầm, cũng có lúc không. Dăm ba trăm không nhiều, nhưng tôi cảm động vô cùng vì đến lúc về hưu, mình lại được yêu quý thế này.
Tại sao anh không tính chuyện làm kinh tế sau khi về hưu?
– Tôi không làm và sẽ không bao giờ làm. Vì tôi nghĩ mình đã dành cả cuộc đời cho công việc rồi. Giờ nghỉ ngơi, tôi muốn nghỉ với đúng nghĩa của từ này.
Lúc anh còn là Bí thư, người dân Hội An hễ gặp anh là kiến nghị đủ thứ: từ chuyện đèn đường hỏng, đến chuyện đống rác chưa dọn. Bây giờ thì sao?
– Chưa bao giờ tôi thấy người dân hết thân thiện với mình. Mỗi khi tôi lên phố, vẫn có hàng chục anh em xích lô quây lại nói chuyện với tôi. Đôi khi, tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại, những lá thư của người dân, nhờ tôi gửi những kiến nghị của họ đến các lãnh đạo của thành phố.
Chỉ ngày hôm qua thôi, đã có một chị chờ tôi suốt buổi trưa trước cổng nhà để gửi cho tôi bức thư chị viết về những điều được và chưa được của Hội An. Sáng hôm nay, trước khi có hẹn phỏng vấn với chị, tôi cà phê với Phó Chủ tịch Hội An và gửi đi bức thư mà tôi đã nhận được ấy.
“Chính khách cũng không có ngoại lệ ở Hội An”
Tôi hỏi thật, anh thấy sau khi anh nghỉ, Hội An tốt hơn hay dở đi?
– Thời điểm tôi làm Bí thư, thật ra có nhiều may mắn và thuận lợi hơn lãnh đạo thành phố bây giờ. Lúc đó Hội An cũng phát triển nhưng không nhanh như bây giờ. Bây giờ mọi thứ đều nhanh quá, nhiều quá. Khách đến ngày càng đông, nhu cầu kinh doanh buôn bán nhiều hơn, mà cơ sở hạ tầng thì chưa đáp ứng kịp. Nên nhiều người đến Hội An bây giờ nói Hội An đang mất dần đi sự bình yên.
Nhưng nói là lãnh đạo Hội An bây giờ làm kém hơn thì không đúng. Nhưng, muốn Hội An đi lên, thì anh em lãnh đạo bây giờ sẽ phải mạnh dạn hơn tôi hồi đó, sẽ phải đổi mới hơn tôi hồi đó, để nhận ra cái áo Hội An bây giờ đã quá chật, để đủ can đảm thay một cái áo mới cho thành phố, mà cái áo đó vẫn không làm Hội An mất đi những gì vốn có.
Vài ngày trước, dư luận xôn xao với câu chuyện đoàn xe tháp tùng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi vào phố cổ Hội An. Tôi biết anh là người nguyên tắc vô cùng và không bao giờ có ngoại lệ. Anh nghĩ gì khi nhìn thấy đoàn xe ôtô cả chục chiếc đi vào phố cổ?
– Phải thú thật, cảm giác đầu tiên của tôi là không vừa lòng. Về luật, xe của nguyên thủ quốc gia, có cảnh sát dẫn đường luôn được ưu tiên trong mọi trường hợp. Nhưng Hội An mà một câu chuyện đặc biệt. Hội An là phố đi bộ.
Và rất nhiều nguyên thủ quốc gia từng ghé thăm Hội An trong bao nhiêu năm qua như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Trần Đức Lương, hay các chính khách nước ngoài như ông Giang Trạch Dân, ông Thaksin Shinawatra… Tất cả đều đi bộ khi đến thăm Hội An. Không một đoàn xe nào của các nguyên thủ đó được phép đi vào phố cổ. Và họ tuân thủ quy định đó một cách vui vẻ.
Thế nếu giờ anh vẫn còn làm Bí thư, mà lãnh đạo cấp trên đề nghị anh một ngoại lệ, anh sẽ…?
– Tôi sẽ phản đối đến cùng. Và tôi sẽ can ngăn đến cùng. Vì sao? Vì Thủ tướng đến Hội An, thăm dân Hội An, chứ không phải chạy qua Hội An để giải quyết việc gì cấp bách. Vậy thì tại sao những người tổ chức sự kiện lại lo Thủ tướng không đủ thời gian để đi bộ vào phố, trò chuyện với người dân? Tôi còn nhớ năm 1995, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Hội An, đó cũng là lúc Hội An vừa cấm ôtô.
Khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũng đặt vấn đề để đoàn xe Thủ tướng đi vào phố cổ. Tôi đã nói với họ, đó là việc rất không hay và nên tránh. Rất may, khi xin ý kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông cũng đề nghị để ông đi bộ. Dù chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó không được công bố rộng rãi vì vấn đề an ninh, nhưng khi biết Thủ tướng đến thăm, người dân Hội An đã đứng xếp hàng dọc hai bên phố chào Thủ tướng.
Và đến hôm nay, tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện vui hôm đó: ở phố cổ, ông Võ Văn Kiệt gặp một ông hớt tóc dạo đang ngồi trên vỉa hè. Ông hớt tóc giơ tay: “Chào Thủ tướng!”. Ông Võ Văn Kiệt dừng lại, vui vẻ đáp lời: “Tôi đâu phải Thủ tướng? Sao ông biết tôi là Thủ tướng?”. Và ông hớt tóc, trong một phản ứng mà không ai lường được, đã lấy tay đấm nhẹ vào bụng Thủ tướng một cách đầy thân tình, cười khà khà: “Sao tôi lại không biết ông là Thủ tướng? Ngày nào tôi chẳng thấy ông trên tivi”.
Khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng vô cùng bất ngờ và thích thú. Ông cười ha hả trước hành động tự nhiên như giữa hai người bạn của ông hớt tóc dạo mà ông vô tình gặp ở phố cổ. Khoảnh khắc đó, hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trở nên gần gũi và ấm áp vô cùng trong mắt nhiều người Hội An.
Tôi chỉ tiếc là đã không có nhiếp ảnh gia nào ghi lại được khoảnh khắc đặc biệt ấy. Vì thế tôi luôn tin, nếu cấp dưới biết can, biết ngăn, biết cản, thì cấp trên bao giờ cũng lắng nghe. Chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đoàn xe hộ tống vào phố cổ, ngay khi nghe tin, tôi gọi điện cho Thủ tướng, lúc đó đang trên đường đi Quảng Ngãi.
Ngày hôm sau, Thủ tướng gọi cho tôi và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện dài. Tôi hỏi Thủ tướng: “Anh vào Hội An dự hội nghị về du lịch, tại sao lại để cả một đoàn xe đi vào phố cổ”. Thủ tướng nói với tôi, ngày hôm đó, anh đi bộ, và không hề hay biết có đoàn xe đi sau mình 1km, khiến cho chuyến thăm của mình bỗng trở thành đề tài bàn tán. Tôi tin Thủ tướng nói thật. Và sự thật, thì tất cả người Hội An đều biết Thủ tướng đi bộ.
Tôi biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều năm trời, từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Ông Phúc cũng là người đồng quan điểm với Hội An, là người đồng ý để Hội An là phố đi bộ. Khi còn là Chủ tịch Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thường xuyên cùng tôi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đi bộ vào thăm phố cổ. Nên Thủ tướng chắc chắn hiểu điều này. Và đó là lý do Thủ tướng đi bộ.
Sự cố này, tôi tin phần nhiều là do ban tổ chức chứ không phải lỗi của Thủ tướng. Nhưng tôi đánh giá rất cao sự cầu thị của Thủ tướng. Dù việc đoàn xe vào phố chỉ xuất hiện trên facebook, dù không một tờ báo chính thống nào ở Việt Nam đưa tin về việc đó, nhưng ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công khai nhận lỗi trên báo chí. Điều đó chứng tỏ Thủ tướng rất cầu thị và biết lắng nghe, kể cả lắng nghe thông tin từ nguồn tin vốn được coi là không chính thống xưa nay.
Ở nhiều nước, việc xin lỗi của một nguyên thủ quốc gia là việc rất bình thường. Nhưng ở Việt Nam, việc một chính khách xin lỗi dân về một việc cụ thể như vụ đi xe vào phố, có lẽ là lần đầu tiên. Và tôi tin, sau khi Thủ tướng công khai xin lỗi trên báo chí về câu chuyện ngày hôm đó, hình ảnh của ông không những không xấu đi mà đẹp hơn lên rất nhiều.
Bản thân anh từng có thời gian dài làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông còn là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Ông nghĩ gì về con người Thủ tướng?
– Có một điều tôi tin chắc và đã nói vừa rồi, Thủ tướng là người cầu thị và biết lắng nghe. Khi còn làm việc cùng nhau, tôi là cấp dưới, ông Nguyễn Xuân Phúc là cấp trên. Chúng tôi tranh cãi liên tục. Tôi có tính xấu là rất nóng tính. Có lần, trong một cuộc họp với ông Phúc, tôi đã đập bàn to giọng với ông. Đôi khi tôi cũng thấy mình quá đáng. Nếu lãnh đạo khác có lẽ đã rất để bụng, thậm chí đem lòng thù oán tôi. Nhưng anh Phúc chỉ cười xoà và bỏ qua, vì anh rất thông cảm và thấu hiểu cả những điều tốt – xấu ở tôi.
Đến bây giờ, chúng tôi vẫn giữ một mối quan hệ thân tình. Kể cả khi anh Nguyễn Xuân Phúc đã ra Hà Nội, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, thì mỗi lần vào Hội An, anh vẫn ghé thăm tôi. Đôi khi có những vấn đề thắc mắc, tôi gọi điện ra Hà Nội. Nếu không kịp trả lời tôi ngay lúc đó, ngày hôm sau anh Phúc sẽ gọi lại và nói chuyện rất lâu. Tôi thực lòng hy vọng ở cương vị mới, anh sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân!
Bây giờ mà lãnh đạo Hội An nhờ anh tham gia giải quyết những việc nội bộ của thành phố, anh có đồng ý?
– Tôi nghỉ hẳn rồi. Nhiều khi anh em đề nghị tôi tham gia hội nghị này, cuộc họp kia, tôi trốn hết, chỉ có cuộc hội thảo về trùng tu Chùa Cầu gần đây là tôi tham dự. Vì tôi nghĩ, mình đến hội nghị và đưa ra ý kiến, nếu ý kiến anh em trái với mình, mà anh em lại nể mình thì khó cho anh em. Nhưng nếu anh em gọi điện hay tìm gặp mà hỏi ý kiến riêng của tôi, tôi sẽ nói.
Muốn nghe hay không, tôi đều tôn trọng. Chỉ có điều, vài ngày trước, con trai tôi hỏi: “Ba ơi, ba nghỉ hưu rồi, mùa bão lũ năm nay ba có đi không?”. Tôi nói với con: “Riêng việc đó thì ba đi”. Vì bao năm qua, mùa bão lũ nào ở Hội An, ở đâu lũ nặng nhất là ở đó tôi có mặt. Tôi vẫn muốn đóng góp cho Hội An trong sức của mình. Mà trong chuyện bão lũ, tôi tin kinh nghiệm của mình vẫn còn có ích. Nên nếu Hội An vẫn cần, tôi sẽ lại đi.