Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần có danh mục cụ thể tài sản Nhà nước không được cho thuê, tránh chuyện nơi họp Quốc hội cũng được mang ra kinh doanh.
Quan điểm này được Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu khi cho ý kiến về dự thảo Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/1.
Theo dự thảo, tài sản công chưa sử dụng hết công năng có thể cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết… Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách – Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm, do tài sản công chủ yếu là phục vụ công tác quản lý Nhà nước như trụ sở làm việc, xe công… nên phải sử dụng tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức.
Ông Hải cho rằng chỉ một số loại tài sản công khi khai thác không làm ảnh hưởng đến quản lý, thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được khai thác như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ… Với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc cho phép cho thuê, kinh doanh dịch vụ sẽ giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, quy định như dự thảo luật chưa rõ ràng, có điểm chưa hợp lý. Ông Phúc dẫn chứng, hội trường Diên Hồng của toà nhà Quốc hội một năm được sử dụng hai lần vào các kỳ họp của Quốc hội. Theo quy định như dự thảo thì giữa hai kỳ họp không sử dụng đến sẽ cho thuê lại để khai thác hết công suất.
“Nếu hội trường Diên Hồng mà cho thuê thì sao được, không ổn”, ông Phúc dứt khoát và đặt tiếp câu hỏi: “Hay như hiện Chính phủ cho thuê nhà 37 Hùng Vương làm dịch vụ ăn uống, bia hơi chẳng hạn… Có nên không?”.
Vì thế, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh dự luật cần quy định rõ tài sản công vụ nào được phép khai thác, cho thuê dịch vụ. “Phải mở ngoặc rõ, nêu danh mục rõ, tránh nêu chung chung rồi tranh cãi sau này”, ông Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần đưa ra danh mục cụ thể tài sản công nào được phép cho thuê, khai thác.
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng nhất trí việc cần ra soát, quy định rõ việc sử dụng, khai thác với những tài sản cụ thể. Riêng quan điểm về khoán kinh phí sử dụng xe công, các ý kiến thành viên thường trực Quốc hội thống nhất không nên tách riêng mà giao Chính phủ quy định mức khoán, do đây là cơ quan quản lý thống nhất về kinh tế.
“Khoán kinh phí xe công rất nhỏ, tách riêng thì không nên. Thống nhất một mối Chính phủ quy định sẽ tạo mặt bằng chung, dễ thực hiện”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm.
Về xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai, hiện có 2 quan điểm. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị quy định theo hướng, toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước, tuân thủ theo Luật ngân sách. Ở chiều ngược lại, cơ quan soạn theo lại đề nghị, số tiền thu được từ xử lý tài sản công sau khi trừ đi chi phí có liên quan mới được nộp vào ngân sách.
Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tỏ ý băn khoăn bởi việc lập dự toán ngân sách Nhà nước thường vào cuối của năm trước, trong khi việc xử lý, thanh lý tài sản có thể diễn ra bất cứ lúc nào, khi cơ quan thấy rằng tài sản đó cần phải điều chuyển. “Lúc đó lại không nằm trong niên hạn ngân sách nữa, như vậy có hợp lý không?”, ông Lưu đặt vấn đề.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì đề xuất các khoản thanh lý này đều nộp về kho bạc tạm giữ, đồng thời lập dự toán chi để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi trừ đi chi phí, số còn lại sẽ nộp vào ngân sách. Theo ông Hiển, hạch toán như vậy kiểm soát được đầu vào qua hệ thống kho bạc, đúng nguyên tắc của Luật ngân sách.
Các thành viên thường trực Quốc hội cũng thống nhất sửa tên dự luật thành Luật quản lý tài sản công. Dự kiến dự luật quản lý tài sản công sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.