Thượng tướng Tô Lâm cho biết, ở nhiều địa phương, số dân của tỉnh đó không bằng dân di cư từ nơi khác đến, do vậy các ngành liên quan cần nghiên cứu cách thức quản lý phù hợp.
Phát biểu tại Hội nghị trực truyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thượng tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn.
Các đô thị đang chịu áp lực lớn về dân di cư. Ảnh minh họa: Bá Đô
Theo ông, di dân là vấn đề toàn cầu mà nhiều quốc gia phải đối mặt. Bộ Công an đã có phương án trường hợp bất ổn và di dân của các nước ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngay trong phạm vi đất nước cũng nảy sinh các vấn đề di dân, nếu không giải quyết tốt sẽ gây nên bất ổn trong điều hành, quản lý.
Ông lấy ví dụ ở Tây Nguyên, trước đây có 1,1 triệu dân, bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu người, trong điều hành kinh tế – xã hội nếu vẫn giữ những chỉ số như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân.
“Ở nhiều địa phương, số dân của tỉnh đó không bằng dân di cư từ nơi khác đến. Những thành phố phát triển, những khu công nghiệp có thu nhập cao hơn thì người dân tập trung đến đấy”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và đề nghị các ngành liên quan nghiên cứu vấn đề này để có cách thức quản lý phù hợp. Cụ thể như tính đến chính thức thừa nhận việc di dân để tạo điều kiện ổn định cho những vùng này; điều chỉnh chính sách và các chỉ số kinh tế-xã hội… “Khẩu hiệu chúng ta hiện nay là ổn định để phát triển, nhưng bây giờ đề xuất đổi lại là phát triển để ổn định. Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ năm 2017, chúng tôi đề nghị tăng yếu tố ổn định vào đây”, lãnh đạo ngành công an nêu ý kiến.
Ghi nhận kiến nghị của Thượng tướng Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Nông nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước về di dân, tới đây sẽ bàn thêm về nội dung này.
Bộ trưởng Công an cũng cho biết, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã triệt phá hơn 1.000 các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp,…).
Theo ông, sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự thông qua hoạt động kinh tế để thu nạp các đối tượng tiền án, tiền sự, đâm thuê chém mướn đã đe doạ đến an ninh, an toàn và lợi ích của doanh nghiệp. Để trấn áp loại tội phạm này, lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về đảm bảo an ninh kinh tế và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.