Những ông chồng trả giá đắt vì coi vợ con như vô hình

Đi nhậu về lúc 12h đêm, anh Tứ không thấy vợ con đâu, trên bàn ngay ngắn để tờ đơn ly hôn kèm giấy nhắn: “Từ nay anh thích làm gì thì tùy”.

Chị Hà, vợ anh Tứ, ở Thanh Trì, Hà Nội, kể, lấy nhau gần 10 năm, chồng chị không đóng góp về kinh tế cũng chẳng làm việc nhà hay chăm con. “Sáng anh đi ăn quán, kệ mấy mẹ con líu ríu nấu, ăn rồi đưa nhau đi học. Tan làm có khi anh đi nhậu hoặc về thì cắm mặt vào máy tính đọc tin, chơi cờ tướng, đến bữa ăn xong lại cày tiếp”, chị Hà kể. Có khi cần đóng học cho con, chị hỏi tiền chồng thì anh quát: “Đưa tiền để cô đi bao trai à?”.

Nhiều lần nhỏ to tâm sự lẫn giận dỗi, cãi vã, chồng vẫn chẳng thay đổi, chị Hà từng cảnh báo sẽ ly hôn nếu anh tiếp tục vô trách nhiệm. “Đáp lại, anh ấy tỏ ra thách thức. Tôi cũng muốn cố hàn gắn cho con đủ bố đủ mẹ. Nhưng ở với người đàn ông thế này, con tôi cũng bị ảnh hưởng xấu”, chị nói về lý do quyết ly dị.

Ngay cả lúc chị Hà đã viết đơn, chồng chị vẫn cho là vợ chỉ dọa. Anh ký ngay để vợ “trắng mắt ra” và chỉ thực sự hối hận khi mọi thủ tục xong xuôi, vợ dẫn con vào Sài Gòn sống và làm việc.

“Mãi tới bây giờ, sau 4 năm ly hôn, tôi mới thực sự nhận ra mình đã tệ với vợ con thế nào. Giờ con trai nghĩ rằng tôi bỏ rơi nó”, anh Tứ chia sẻ trên một diễn đàn mạng.

bo-chong-1130-1478155008

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội), rất nhiều nam giới kết hôn rồi vẫn sống như độc thân, phó mặc mọi việc trong gia đình cho vợ. Người phụ nữ một mình gánh vác, không nhận được sự chia sẻ, quan tâm từ bạn đời sẽ mệt mỏi, tình cảm phai nhạt đi và tới lúc nào đó, họ coi việc chung sống như một nghĩa vụ với con chứ không còn trông mong gì ở chồng nữa. Với nhiều người đàn ông, chỉ khi đối mặt với nguy cơ gia đình tan vỡ thì mới bắt đầu thấy sợ và có ý muốn cố gắng nhưng đôi khi việc này quá muộn.

Trường hợp của anh Quang (Bắc Ninh) là một ví dụ. “Cô ấy từng yêu tôi hơn cả bản thân, đã cãi lời cha mẹ để lấy tôi khi hai nhà cách xa mấy trăm cây số. Cưới về, vợ chăm lo cho tôi từ bữa ăn, giấc ngủ, quần áo. Còn bây giờ, dù tôi có ốm nằm đấy, vợ cũng mặc kệ”, anh Quang kể.

Còn vợ anh, chị Ngân thì cho biết, chị yêu chồng ở vẻ đẹp trai, vô tư nhưng lấy về rồi mới thấy khổ vì anh chẳng lo lắng gì cho gia đình hết. Anh ham chơi, sẵn sàng nghỉ làm để tụ tập bạn bè, hội hè nên nhiều lần bị cho nghỉ việc. Có lần, dù bụng chửa vượt mặt, nửa đêm chị vẫn phải đi tìm chồng vì anh đi nhậu không về, gọi điện chẳng nghe máy. Sau khi sinh, chị Ngân phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm vì nhà trọ chật chội, túng thiếu mà chồng không đỡ đần về kinh tế lẫn việc nhà.

Nhắc nhở nhiều lần chồng không thay đổi, chị chán nản và cuối cùng quyết định mặc kệ anh. Chị quyết tâm kiếm tiền để mua được căn nhà nhỏ, đón con ra ở nên tập trung vào công việc, buôn bán thêm hàng trên mạng. Chồng đi đâu, làm gì, chị không hỏi han gì nữa. Chị cũng không mua sắm bất kỳ món đồ nào cho anh. Cuối cùng, chị cũng mua được căn hộ, nhờ bố mình đứng tên, cũng chẳng cần hỏi ý kiến anh. Đón con ra ở, chị chăm chút cho bé, hai mẹ con thường xuyên đi chơi, bố về nhà hay không chẳng quan trọng.

Trước sự thay đổi của vợ, anh Quang chột dạ và quay ra quan tâm đến vợ hơn, thi thoảng vào bếp, hay nhắn tin hỏi han chị. “Nhưng hình như mọi thứ đã quá muộn. Tôi hoàn toàn vô cảm với chồng, không ghét cũng chẳng thương anh nữa. Chính anh đã rèn cho tôi cách sống vui mà chẳng cần chồng”, chị Ngân bày tỏ.

Bây giờ, anh Quang lại hay giận dỗi, trách vợ làm ra nhiều tiền nên coi thường chồng rồi ghen tuông vô cớ, nhất là khi bị chị cự tuyệt hoàn toàn “chuyện ấy”. “Gia đình mình cứ co kéo thế này, chẳng biết được đến lúc nào”, chị Ngân nói.

Theo chuyên gia tâm lý, nhiều nam giới dù sống như “khách trọ” nhưng về nhà vẫn muốn được vợ con phục tùng đầy đủ và nếu không nhận được điều đó thì họ thể hiện sự khó chịu, tức tối. Có những người thậm chí còn dùng bạo lực để chứng tỏ “quyền chủ nhà” trong khi không hề đóng góp gì cho gia đình.

“Trước kia, chị em thường cam chịu vì sợ điều tiếng, sợ thay đổi, lo mất con… Những năm gần đây, rất nhiều phụ nữ đã ‘vùng lên’, họ không chấp nhận việc có một ông chồng chỉ trên giấy tờ nên sẵn sàng ly hôn, ly thân. Nếu đã xác định không thể bỏ được và sống vì trách nhiệm, họ cũng coi những người chồng đó như vô hình”, nhà tâm lý cho biết.

Trường hợp của vợ chồng chị Thu là một điển hình. Người phụ nữ 40 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội này cho biết, chồng chị khi đã làm cha rồi vẫn lông bông, ham mê cả cờ bạc lẫn nhậu nhẹt. Nhiều lần, anh say rượu còn gây tai nạn đâm vào người khác hoặc bản thân phải vào viện. Mệt mỏi, chị Thu đòi ly hôn nhưng anh nhất định không chịu, còn chây ỳ xé hết tất cả các giấy tờ liên quan. Chán không muốn ràng buộc gì tới người chồng vô trách nhiệm, chị nói thẳng với bố mẹ chồng rằng: “Con không thể bảo được chồng, cũng chẳng thể chấp nhận kiểu sống vô trách nhiệm với gia đình của anh ấy. Từ nay, con chỉ lo cho 3 đứa con, còn anh ấy muốn sống chết, làm gì thì tùy”.

Mấy năm trước, vì nhậu nhẹt nhiều, chồng chị mắc bệnh thận. Xấu hổ vì bao năm chỉ mải chơi bời, không đoái hoài gì tới vợ con, anh tự động về quê để bố mẹ lo chữa bệnh cho. “Giờ tôi một mình nuôi 3 con, bé lớn nhất 15 tuổi, bé nhỏ nhất 5 tuổi, nhưng vẫn thấy khỏe hơn là lúc ở cùng chồng. Có người trách tôi cạn tình khi không đón chồng về chăm lo nhưng nói thật, bao nhiêu năm tháng bị bỏ mặc, tôi đã chẳng còn tình thương dành cho anh ấy nữa. Tôi chẳng có nghĩa vụ phải lo cho người chỉ ‘ở trọ’ trong nhà mình. Các con tôi cũng không thấy thiếu bố bởi bố chúng trước nay vốn đã như người vô hình. Nhiều lúc thấy chồng đau ốm nằm chỗ, tôi rủ bọn trẻ về thăm nhưng chúng không muốn, miễn cưỡng lắm mới về nhưng lại đòi đi ngay”, chị Thu kể.

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan