Chị Bàn Thị Kim, 26 tuổi, đang sinh sống ở thành phố Johor Bahru, Malaysia không cầm được nước mắt khi nói về mẹ đẻ của mình. Chị đã lạc mẹ và em trai 24 năm nay.
Chị Kim cùng chồng và con gái ở Malaysia – Ảnh chị Kim cung cấp
Từ Malaysia, chị Kim bật khóc với chúng tôi: “Cuộc sống nghèo khó và hoạn nạn đã khiến tôi phải lạc mẹ đẻ suốt 24 năm nay. Mẹ đẻ tôi bế tôi cho một người phụ nữ hiếm muộn ở xã Vĩnh Yên, huyện Na Hang, Tuyên Quang và dắt em trai mới hơn 1 tuổi của tôi tiếp tục đi xin ăn, tha hương cầu thực”.
Vết sẹo lớn trên tay trái
Người phụ nữ hiếm muộn đó là bà Chu Thị Phòng, chồng là ông Bàn Văn Lường (ở tổ 1, còn được gọi là Luồng Lạng, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, Tuyên Quang). Năm chị 5 tuổi, bố mẹ nuôi đã kể lại cho chị nghe duyên phận đẩy đưa chị về với gia đình mới.
“Năm 1992, tại thị trấn Na Hang xuất hiện 3 mẹ con nhà ăn xin. Một phụ nữ khốn khổ dắt theo một bé gái hơn 2 tuổi và một bé trai hơn 1 tuổi đi xin ăn và xin chỗ nằm nhờ những nhà tốt bụng trong vùng. Nhiều người chạy đến hỏi sự tình, người phụ nữ kể cho hay gia cảnh quá khốn khổ, không thể nuôi con, bà muốn cho bé gái về một gia đình tốt. Một ngày u ám năm 1992, bé gái, chính là tôi bây giờ, được mẹ nuôi tôi, bà Chu Thị Phòng khi đó đang là một giáo viên đón nhận. Tôi được làm giấy khai sinh mới, lấy tên Bàn Thị Kim, sinh ngày 10.1.1990”, chị Kim kể.
Theo mẹ nuôi chị Kim, mẹ đẻ chị có thể sinh năm 1967, 1968. Ngày đó, người phụ nữ bất hạnh nói mình tên là Mai.
Chị Bàn Thị Kim và bà ngoại nuôi (bìa trái) và mẹ nuôi, ảnh chụp hồi chị 5 tuổi- Ảnh chị Kim cung cấp
“Tôi không nhớ gì về sự chia ly ngày đó, khi mình mới chỉ hơn 2 tuổi. Chỉ có một thứ như kỷ vật theo tôi suốt 24 năm qua, kể từ ngày tôi lạc mẹ Mai, đó là vết sẹo rất lớn trên tay trái. Mẹ nuôi tôi kể, ngày đón tôi từ tay mẹ đẻ, tay trái tôi bị bỏng rất nặng, vết thương lở loét, chảy mủ và nước vàng rất hôi tanh. Bà đã phải đi khắp nơi tìm thuốc để chữa cho tôi khỏi. 24 năm qua, tôi lớn lên, vết sẹo cũng lớn lên. Ngày mẹ rời xa tôi, mẹ không đeo cho tôi chiếc vòng nào, không để lại cho tôi vật gì để lớn lên tìm mẹ, tôi chỉ biết vết sẹo như một kỷ vật để mẹ nhận ra tôi”, chị Kim xúc động.
Bị trao nhầm con 42 năm trước ở Hà Nội: Tìm kiếm trong nước mắtĐã có lúc, người thân trong gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi, số nhà 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội tưởng sắp tìm lại được người con đẻ bị trao nhầm 42 năm trước.
Chị Bàn Thị Kim đã trải qua một tuổi thơ cơ cực, một thời thiếu nữ gian truân và nhiều đắng cay. Năm chị Kim 11 tuổi, bố mẹ nuôi chị ly dị. Năm chị 12 tuổi, mẹ nuôi chị đi bước nữa, nhưng chỉ một năm sau, mẹ nuôi chị đột ngột qua đời. Chị Kim sống cùng bà ngoại nuôi và gia đình anh trai của mẹ nuôi, bắt đầu những chuỗi ngày tháng cơ cực, tủi nhục và hiu quạnh, bơ vơ giữa cuộc đời, không biết bấu víu vào ai.
Vết sẹo rất lớn trên tay trái chị Kim, với chị đây là một kỷ vật để mẹ nhận ra chị – Ảnh chị Kim cung cấp
Năm 16 tuổi, chị Kim rời thị trấn Na Hang, Tuyên Quang, về Hà Nội làm thuê. Càng lớn, ý thức phải tìm được mẹ đẻ càng thôi thúc chị. Chị nhiều lần trở lại Na Hang, hỏi thăm khắp cả huyện tung tích về người phụ nữ dắt con đi ăn xin năm 1992 nhưng không ai hay biết. Năm 2013, nhờ một chương trình hỗ trợ người lao động, chị Kim sang Malaysia làm việc và gặp được người chồng hiện tại, họ kết hôn sau đó một năm.
“Con khao khát được mẹ ôm, mẹ ơi”
Mưu sinh nơi xứ người, chưa một phút giây nào chị Kim thôi nghĩ về mẹ đẻ và người em trai đã lạc mất cách đây 24 năm. Khao khát cháy bỏng của chị là được một lần nhìn thấy mẹ, để được gọi “mẹ ơi”. Nhờ internet, mạng xã hội facebook, chị Kim đăng tin tìm kiếm người thân, hỏi thăm khắp nơi nhưng vô vọng.
Năm 2014, trong một lần chị Kim về Việt Nam, một người chị của mẹ nuôi đưa cho chị một mảnh giấy, nói là manh mối để cháu tìm lại được mẹ. Mảnh giấy ghi vẻn vẹn mấy dòng: “Bố: Trịnh Văn Ngan (đã mất). Mẹ: Trần Thị Mai. Con: Trịnh Thị Hoa. Cường Đạt, Cường Trực huyện Hải Hậu, Nam Định”. Nước mắt chị Kim lăn dài, tên của chị từng được mẹ đẻ đặt là Trịnh Thị Hoa.
Chị Kim bỏ lại hết mọi việc, tức tốc về Nam Định, tìm đến huyện Hải Hậu, không thấy địa chỉ nào tên là Cường Đạt, Cường Trực. Chị chạy tới huyện Trực Ninh, chỉ có xã Trực Cường, nhưng nghe tên ông bà Trịnh Văn Ngan, Trần Thị Mai, tất cả đều lắc đầu, không ai hay biết.
Suốt 2 năm qua, ở Malaysia nhưng tâm trí chị Kim vẫn hướng về Việt Nam, nghe ngóng tin tức về người mẹ đẻ. Người phụ nữ cũng đang là mẹ của một cô con gái xinh xắn, rưng rưng: “Tôi không trách mẹ. Tất cả là do số mệnh. Hơn 10 năm qua tôi không ngừng tìm mẹ, tôi ao ước chỉ một lần thôi con được nhìn thấy mẹ. Chịu bao đau thương, tủi nhục, vất vả nhưng con gái mẹ vẫn muốn được mẹ ôm vào lòng, vẫn muốn được gọi mẹ, vẫn muốn được nhìn thấy mẹ”.
“Tôi muốn nói với mẹ là, con không hận mẹ, không ghét bỏ mẹ. Ngược lại con khát khao ngàn lần đoàn tụ với mẹ và em. Chị nhớ mẹ và em nhiều lắm”, chị khóc nức nở.