Chuyên gia kiến trúc: ‘Công trình tôn giáo mới thiếu hồn cốt Việt’

“Những công trình tôn giáo tín ngưỡng xây dựng khoảng 20 năm trở lại đây rất ít bóng dáng chùa thường thấy ở Việt Nam… Khi đến, tôi chỉ dám đứng ngoài vì to quá, doạ nạt, không mang đến cảm giác tĩnh tâm’, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Ngày 25/12, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam. Tại đây, nhiều chuyên gia bày tỏ trăn trở trước tính đô thị hoá, hoành tráng hoá và nhiều sai phạm trong quản lý, xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khoảng 20 năm trở lại đây.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chia sẻ, không biết nên gọi tên các công trình này là gì bởi không thể gọi là “chùa” – theo hình dung về những ngôi chùa vốn có ở Việt Nam trước năm 1954. Tuỳ theo từng nơi, chùa xưa có quy mô khác nhau nhưng đều xinh xắn, có tỷ lệ xây dựng gắn bó với cảnh quan thiên nhiên, con người và mang đến cảm giác thân thuộc, bình yên, sự tĩnh tâm.


Công trình tượng Phật cao nhất miền Bắc ở Thái Bình trước khi bị sập.
Các công trình mới, theo KTS Ánh, ít bóng dáng chùa thường thấy ở Việt Nam. Sự khác biệt đầu tiên là về quy mô, kích thước quá to lớn. Ông kể, có nhà nghiên cứu văn hoá khi đến Đà Lạt đã bàng hoàng khi đứng trên cao nhìn thấy lớp lớp toà ngang dãy dọc, cột bê tông đắp hình tròn, dán ngói đỏ ối lên mái dóc đổ bê tông… và không dám gọi đó là “ngôi chùa”.

Tại Quảng Ninh, một công trình mới hoàn thành có ban thờ Phật kích thước lớn gấp nhiều lần bình thường với những cổng ngõ mô phỏng cổng thành thời nhà Minh, Tam bảo trang trí tranh xuất bản ở Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan… “Trông xa thì có cái vỏ mô phỏng chùa Việt với mái cong, cột tròn nhưng đến gần thì không thấy tỷ lệ với con người. Thậm chí những cánh cửa khổng lồ to nặng tới mức không có khung, bản lề nào mang nổi nên được làm thành cửa đẩy có bánh xe như cửa nhà kho. Những công trình này được lặp lại ở Đà Nẵng, Ninh Bình, Thái Bình và nhiều địa phương khác”, KTS Ánh nói.


Tượng Phật cao nhất miền Bắc sau khi sập đổ. Ảnh: Giang Chinh.
Những thiền viện đang được nhiều nơi ồ ạt xây dựng, theo chuyên gia này, cũng có nội dung khác hẳn chùa truyền thống Việt Nam. Các chi tiết, thiết kế ở đây vụn vặt, thô kệch, thể hiện sự phô trương, vụng về trong tạo hình, gia công trang trí. Giá trị nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc đều rất hạn chế.

“Các công trình này không duy trì hồn cốt ngôi chùa Việt là lấy vật chất tối thiểu để biểu đạt giá trị tối đa”, KTS Ánh nói và đặt vấn đề nhận diện lại công trình tôn giáo, tín ngưỡng mới xây dựng để xem có phải nơi tập trung tinh hoa, văn hoá hay chỉ thuần tuý là du lịch để mang lại lợi ích cho địa phương. Ông chia sẻ, bản thân khi đến những nơi này đã không dám vào trong mà chỉ đứng ngoài vì nó to lớn, doạ nạt, không mang đến cảm giác bình yên, tĩnh tâm.

TS Tạ Quốc Khánh (Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hoá) chỉ ra nhiều sai phạm về mặt kiến trúc của những công trình mới này. Cụ thể, việc xây đền, chùa, làm tượng, đúc chuông quá lớn, đua tranh theo những kỷ lục phù phiếm; sao chép mẫu mã, không có nghiên cứu, sáng tạo khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau; không tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc vùng miền, tô son đắp vẽ những hoa văn xa lạ, lạm dụng thiết bị trang trí hiện đại như lát gạch men trong chùa, lắp đèn điện tử trên tượng…

“Khoảng 10 năm gần đây, các công trình tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng mới ồ ạt, khó kiểm soát với nhiều cái sai trong quản lý, chất lượng”, KTS Nguyễn Thuỳ Dung (Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây dựng) ý kiến. Nữ chuyên gia nêu ví dụ cá biệt tại tỉnh Vĩnh Phúc có đến 350 công trình chùa chiền mới xây và tu bổ, sửa chữa.

Qua kiểm tra sơ bộ (tháng 8/2015), Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều cơ sở tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo đã mở rộng, xây mới chùa chiền bừa bãi, không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng công trình. Hiện tượng xây dựng không phép, nhà thầu không có tư cách pháp nhân, không đơn vị giám sát thi công, sai lệch so với hồ sơ xin phép… khá phổ biến. Điển hình là công trình tượng Phật ở chùa Sắc Thiên vương Quan Âm tự (Thái Bình) xây không phép, không có đơn vị thi công, giám sát, đã bị đổ sập khi chưa hoàn thành.


Hương nghiêm pháp đường được cho là xây dựng không phép tại khu vực bảo vệ của chùa Hương (Hà Nội). Ảnh: Gia Chính.
Một số cơ sở tôn giáo còn tự do lấn chiếm đất trái phép để xây chùa như: Linh Sơn tự ở Sầm Sơn (Thanh Hoá), chùa Thiên Phúc (Vĩnh Phúc) được “lén lút” xây ở khu vực giáp ranh vườn quốc gia Tam Đảo sau khi bị cơ quan chức năng đình chỉ…

“Công trình Phật giáo xây mới có hiện tượng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, sao chép vốn cổ hoặc giả cổ, trang trí loè loẹt, phô trương, xem nhẹ bố cục nội dung bên trong. Chùa mới không còn cảnh tu yên, thanh bần như xưa nữa. Điều đáng suy ngẫm là phải chăng chúng ta đang làm mai một đi bản sắc văn hoá đã được khẳng định để lao vào tạo dựng các công trình mới không đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của lớp Phật tử ngày càng trẻ và có kiến thức hơn”, KTS viện Kiến trúc quốc gia trăn trở.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan