Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa đưa ra dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong khu vực nội đô. Từ nay đến 2020, Hà Nội cần 2.167 tỷ đồng để khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP về việc thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020.
Ùn tắc diễn biến phức tạp, khó lường
Kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015, UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm một cách rõ rệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. Tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.
Lô cốt chiếm gần hết lòng đường Nguyễn Trãi – một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một số bộ phận người dân chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu… nên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Các tuyến đường thường xuyên ùn tắc giao thông hiện nay cũng được UBND Thành phố Hà Nội chỉ rõ trong tờ trình. Cụ thể, như tuyến đường Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy có 4 điểm thường xuyên ùn tắc, nguyên nhân là do rào chắn thi công ga số 6 và 7 đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội. Tuyến đường Nguyễn Trãi, do lưu lượng giao thông lớn trong khi đường hẹp dẫn đến ùn tắc. Ùn tắc trên tuyến đường từ Khuất Duy Tiến đến Nguyễn Trãi là do công trường đang thi công, trong khi lưu lượng giao thông lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đưa ra dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai. Số lượng các điểm và các tuyến đường ùn tắc giao thông còn nhiều, tai nạn vẫn ở mức cao.
Siết chặt quản lý xây nhà cao tầng trong nội đô
Từ thực tiễn trên, Hà Nội tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông từ nay đến 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong khu vực nội đô (từ vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô.
Tình trạng ùn tắc giao thông từ nay đến năm 2020 ở Hà Nội dự kiến còn phức tạp.
Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ giảm từ 5-10% hàng năm trên cả ba tiêu chí gồm số vụ, số người chết và bị thương.
Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Qua đó Hà Nội xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong giải pháp quy hoạch xây dựng, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế mật độ dân cư nội đô.
Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện… ra ngoài trung tâm theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình. Quỹ đất này sẽ được ưu tiên dành cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đưa ra dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông từ nay đến 2020 là 2.167 tỷ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm.