PGS.TS đề xuất “Tiếq Việt”: “Nếu tự dưng nhìn chữ cải tiến, tôi cũng thấy ngớ ngẩn!”
Tác giả ý tưởng cải tiến “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” khẳng định, ngôn ngữ nếu cải tiến sẽ dễ viết, dễ nhớ và tiết kiệm vật lực. Đơn cử, một nhà xuất bản dùng 100 tấn giấy trong 1 năm thì với phương án cải tiến này, họ rút giảm được 8 tấn giấy.
Cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) xoay quanh nghiên cứu cải tiến ngôn ngữ đang xôn xao dư luận của ông.
“Công trình nghiên cứu của tôi chưa hoàn chỉnh”
PV: Ngay khi xuất hiện trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội, phương án cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của ông đã gặp rất nhiều tranh luận gay gắt, đa phần là phản đối. Ông có cảm xúc thế nào? Công trình này ông bắt tay nghiên cứu từ bao giờ và trong bao lâu?
PGS.TS Bùi Hiền: Trước tiên, phải nhấn mạnh công trình nghiên cứu này của tôi chưa hoàn chỉnh; mặt khác lại chưa có sự chuẩn bị nhưng báo chí đưa lên giới thiệu.
Bắt người chưa quen, chưa học, chưa hiểu… phải chấp nhận thì khó. Tôi đã nghiên cứu công trình này hơn 20 năm nay và gần đây, giới thiệu công trình ở một bài viết gửi kỉ yếu hội thảo khoa học ở Quy Nhơn về ngôn ngữ. Tuyệt nhiên, nó chưa phải đề án đem ra trưng cầu ở cấp nhà nước. Đến nay, tôi mới chỉ nghiên cứu xong một nửa (cải tiến các phụ âm).
Ngôn ngữ có lịch sử lâu đời, những cải tiến động chạm đến chữ quốc ngữ rất nhạy cảm, việc đưa ra không có chuẩn bị sẽ gây sốc. Nếu tôi là một người bình thường, tự dưng đọc qua loa về cải tiến này thì chính tôi cũng cảm thấy ngớ ngẩn!
Tại sao lại phải cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt vốn đã hoàn thiện?
PGS.TS Bùi Hiền: Trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Chữ Việt lộn xộn ở chỗ 2-3 kí tự mới biểu hiện một âm gây phí tài nguyên, dài dòng phức tạp. Ví dụ một âm “ngh” phải ghép từ 3 kí tự (n, g, h). Hay với người bắt đầu học tiếng Việt, phân biệt ch – tr trong chữ cha và trâu cũng mất nhiều thì giờ.
PGS.TS Bùi Hiền.
Xin PGS.TS cho biết, cơ sở để ông thực hiện cải tiến ngôn ngữ?
PGS.TS Bùi Hiền: Chữ quốc ngữ cải tiến của tôi dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Dùng ngôn ngữ cải tiến tiết kiệm thời gian, vật tư, sức lực 8%
Việc cải tiến bảng chữ tiếng Việt có những lợi ích gì, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hiền: Thử hình dung, âm (ngờ) có ngh – ng… Ta quen rồi thì tưởng dễ và không chú ý nhưng học sinh lớp 1, lớp 2 bắt đầu học thì rất khổ. Nếu chúng ta hợp lý hóa lại nguyên tắc dùng thống nhất bộ chữ Latinh để biểu hiện hơn 30 âm trên nguyên tắc mỗi âm được biểu hiện bằng 1 kí tự thì rất giản tiện.
Thử cho học sinh chưa biết chữ, chia 2 lớp học, một lớp cho học chữ cũ, một lớp cho học chữ cải tiến. Lớp học chữ cải tiến chắc chắn học rất nhanh. Lợi về thời gian, lợi về không gian… Tôi đã tính, nếu viết theo kiểu mới tiết kiệm thời gian, sức lực, vật tư 8%.
Như vậy, nếu một Nhà xuất bản 1 năm dùng 100 tấn giấy thì với phương án viết chữ cải tiến này, một năm rút giảm được 8 tấn giấy. Nếu tính tất cả nhà máy, công xưởng, cơ quan thì cứ rút lại 8% vật liệu giấy, rút lại thời gian viết 8%, thời gian đánh máy 8%. Lợi biết bao nhiêu!
Một ví dụ về chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền.
Nhiều người chưa cần biết lợi – hại, họ chỉ thấy rằng, cải tiến của PGS.TS có phần rối rắm, na ná cách viết “teen code” của giới trẻ, tạo cảm giác khó chịu cho người đọc và làm mất sự trong sáng của Tiếng Việt?
PGS.TS Bùi Hiền: Đứng về mặt mỹ học, thẩm mỹ, nhìn chữ cải tiến so với chữ cũ thì dễ gây phản ứng khó chịu. Một đằng quen quá đi rồi, thấy chuẩn như xưa mới là đẹp. Đưa cái mới giới thiệu mà chưa được huấn luyện thế này thì gây ngỡ ngàng và người ta thấy nó kệch cỡm. Về tâm lí tôi hiểu.
Tuy nhiên nếu làm cho đến nơi đến chốn, giải thích cho rõ người ta hiểu chấp nhận nhiều hơn (Tôi biết chuyện dư luận chấp nhận 100% là không có)… Nếu được thực nghiệm cụ thể, đơn giản thôi, người ta sẽ sẽ chấp nhận phương án nhanh, gọn, tiết kiệm. So sánh giữa 2 bảng chữ cũ và mới thì thấy chữ mới ngắn gọn đơn giản, dễ viết, dễ nhớ.
Đến bây giờ các bạn làm biên tập đôi khi vẫn phải tra từ điển mới biên tập được vì không thể nhớ lúc nào s – x, tr – ch. Nhưng nếu cải tiến và biết tất cả mặt chữ thì yên ổn suốt đời, không phải tra.
Nếu bạn nghiêm túc đọc một bản cải tiến bảng chữ cái của tôi, chỉ trong 1 ngày là có thể đọc và viết văn bản mới đơn giản, dễ dàng, tiết kiệm thời gian, vật lực, công sức.