Giảm lương hưu của lao động nữ: Món quà đắng chát cho ngày 20-10
Đóng BHXH trong điều kiện hiện nay nghĩa là người lao động phải chắt chiu từng đồng lương còm cõi để lo cho tương lai; thế nhưng cái tương lai ấy lại bấp bênh, tăm tối thì cớ gì lại phải nhắm mắt đưa chân?
Tình cờ tôi đọc loạt bài về giảm lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018 . Cảm giác đầu tiên đây là điều không vui cho chị em trong những ngày cả nước đang rầm rộ tôn vinh, chúc mừng chị em nhân ngày của họ. Nói trắng ra, đây là một món quà đắng chát cho ngày 20-10 năm nay.
Điều đáng nói là quy định này đã có cách đây vài năm khi Luật BHXH 2014 được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến và biểu quyết thông qua. Lúc đó người ta cũng đã nói đến việc này nhưng không mấy ai chú ý bởi lẽ thời gian thực hiện hãy còn xa. Thế rồi mấy tháng trở lại đây, dư luận lại rộ lên chuyện nhiều người lao động muốn nghỉ việc để nhận trợ cấp BHXH một lần vì sợ bị “kẹt cứng” trong chính sách nếu đóng BHXH đủ 20 năm.
Hơn 50% lao động khu vực ngoài nhà nước là nữ
Và rồi giờ đây khi chỉ còn mấy tháng nữa là chính sách có hiệu lực, mọi người bỗng hốt hoảng nhận ra những thiệt thòi quá lớn mà mình phải gánh chịu. Đóng BHXH trong điều kiện hiện nay nghĩa là người lao động phải chắt chiu từng đồng lương còm cõi để lo cho tương lai; thế nhưng cái tương lai ấy lại bấp bênh, tăm tối thì cớ gì lại phải nhắm mắt đưa chân?
Trong sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, lực lượng lao động khu vực ngoài nhà nước chiếm số đông, trong đó hơn 50% là lao động nữ. Đây là những người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất vì sự kỳ thị, sự bất công trong vấn đề việc làm. Cùng một vị trí nhưng lương của nữ bao giờ cũng thấp hơn nam. Cùng một vị trí nhưng chỉ khi nào tuyển không ra nam giới thì nhà tuyển dụng mới tìm đến lao động nữ. Cùng một công việc nhưng khi cần cắt giảm thì chủ sử dụng lao động lại “ưu tiên” cho chị em ra đường…
Đó là ngoài xã hội. Còn trong gia đình, không ai có thể thay thế vai trò người vợ, người mẹ của chị em trong việc chăm lo cho mái ấm của mình.
Lao động nữ luôn là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất vì sự kỳ thị, sự bất công trong vấn đề việc làm
Thế thì không có lý gì lại bạc đãi họ như vậy. Mong cơ quan ban hành chính sách này sớm nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề để có động thái sửa đổi nhằm trấn an dư luận.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã phải lùi ngày có hiệu lực để chỉnh sửa vì một số điều khoản chưa phù hợp.
Còn nhớ cách đây chưa lâu điều 60 Luật BHXH hiện hành cũng phải lùi thời hạn thực hiện nội dung nhận trợ cấp BHXH một lần đối với người chưa đóng đủ 20 năm.
Vậy thì quy định giảm lương hưu của lao động nữ kể từ năm 2018 quy định tại điểm b, khoản 2, điều 56 Luật BHXH được tạm hoãn thực hiện hoặc sửa đổi cũng không có gì lạ, miễn là nó phù hợp lòng người và thể hiện được tính nhân văn của pháp luật.