Vì sao AK47 trở thành vũ khí khủng bố ưa thích

Bom xe và các thiết bị nổ tự chế là vũ khí ưa thích của khủng bố vài năm sau vụ 11/9 nhưng tới năm 2015, AK47 ngày càng trở thành vũ khí chủ yếu của chúng khắp châu Âu.

Số người thiệt mạng trong các vụ khủng bố sử dụng AK47 gần đây. Đồ họa: Guardian
Trong vụ khủng bố Paris ngày 13/11, loại súng tiểu liên nổi tiếng do Liên Xô thiết kế này còn giết nhiều người hơn cả đánh bom tự sát. Hiện giới chức châu Âu đang đau đầu tìm hiểu nguồn gốc, kẻ trung gian buôn súng và lý do loại súng này lại trở nên phổ biến.

Một phần câu trả lời có lẽ nằm ở vùng bán đảo Balkan, bên dưới dãy núi ở trung tâm Montenegro. Nơi đây có những tay buôn súng nghiệp dư như Vlatko Vucelic. Vào ngày 5/9/2015, Vlatko đã bị bắt trên đường cao tốc tại Đức, cùng với một kho vũ khí: một khẩu súng lục, hai khẩu súng ngắn, hai quả lựu đạn, 200 g thuốc nổ TNT và 8 khẩu AK47.

Dù cảnh sát không liên kết được Vlatko với âm mưu khủng bố nào, họ tin rằng hắn là một mắt xích, dù nhỏ, trong đường dây buôn bán vũ khí bất hợp pháp giá trị ước tính khoảng 320 triệu USD một năm trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng hành trình vận chuyển lậu vũ khí là từ Montenegro, qua Croatia, Slovenia vào Áo, qua biên giới vào miền nam Đức, gần Rosenheim. Đích đến cuối cùng là một bãi đậu xe ở Paris.

Nguồn gốc AK47

Mẫu đầu tiên của AK47 được tướng Liên Xô Mikhail Kalashnikov thiết kế và trang bị cho quân đội Liên Xô vào năm 1948. Cảnh sát cũng dùng cái tên Kalashnikov khi nói về loại súng này. Tuy nhiên, ngày nay, đây là tên gọi chung của 200 loại súng tiểu liên, với tổng số lượng khoảng 200 triệu khẩu súng trên toàn thế giới, trung bình cứ 35 người sẽ có một khẩu. Chúng được sản xuất và buôn bán hợp pháp ở hơn 30 quốc gia, với Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu.

Tuy nhiên, vũ khí hợp pháp sẽ nhanh chóng trở thành bất hợp pháp. Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu cho các quốc gia châu Phi. Tại đây, súng sẽ được binh lính tuồn ra chợ đen, hoặc các quốc gia cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở các nước khác. Libya với cuộc nội chiến đã trở thành một cái phễu khổng lồ cho các loại vũ khí.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về cấm vận vũ khí vào Libya đã phát hiện vũ khí đã được tuồn lậu tới 14 quốc gia bên ngoài biên giới Libya. Mặc dù chưa có bằng chứng nào về việc vũ khí nguồn gốc Libya tuồn vào châu Âu được thừa nhận công khai, hầu hết các chuyên gia tin rằng, chỉ là vấn đề thời gian trước khi tìm thấy vũ khí từ Libya trong Liên minh châu Âu (EU). Phần lớn vũ khí hạng nặng dùng trong cuộc thảm sát Paris có nguồn gốc Balkan.

Ngoài số lượng súng mới ra lò với tốc độ một triệu khẩu/năm, còn khoảng 10 triệu khẩu AK47 cũ vẫn còn sử dụng tốt, dù có niên đại từ những năm 1980 hoặc xa hơn, ở các vùng phía tây Balkan, Liên Xô cũ và phía bắc châu Phi.

Chỉ tính riêng tại Albani, sau tình trạng bất ổn năm 1997, khoảng 750.000 khẩu AK47 đã biến mất, trở thành một phần của thị trường chợ đen vũ khí lậu.

Những khẩu súng cũ này thường được những kẻ môi giới trung gian sửa chữa lại rồi bán ra. Tội phạm và khủng bố rất ưa thích do tính bền bỉ phi thường của nó.

“Nó rất dễ sử dụng”, Mark Mastaglio, một chuyên gia đạn đạo học của Anh cho biết, “đó là lý do mà bạn có thể nhìn thấy cả những đứa trẻ 12 tuổi mang súng theo mình. Ngoài ra nó còn rất bền, có thể hoạt động tốt trong mọi môi trường, kể cả nơi nóng và nhiều cát như sa mạc hay lạnh lẽo như Siberia, do đó nó rất phổ biến”.

Tại Syria, ước tính có khoảng 900.000 vũ khí bất hợp pháp, con số này ở Bosnia là 750.000. Phần nhiều trong đó là do binh lính mang về nhà sau khi kết thúc chiến tranh.

“Kết thúc các cuộc chiến, nhiều tiểu đoàn đã mang súng về nhà”, Aleksandar Radic, một chuyên gia vũ khí cho biết. “Họ giấu chúng trong vài năm đầu, trước khi bán ra chợ đen với giá khoảng 100 euro”.


Những mối liên hệ với Libya. Đồ họa: Guardian
Những nơi trung gian môi giới súng

Theo Milojko Brzkovic, giám đốc nhà máy vũ khí Zastava ở Serbia, số serial của 8 khẩu súng được thu giữ từ Vlatko là do công ty của ông sản xuất. Các khẩu M70 – phiên bản Nam Tư của AK-47 được phát hiện ở Pháp là một phần của lô hàng gửi cho các kho quân sự ở Slovenia, Bosnia và Macedonia cũng từ công ty này.

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc vũ khí không giúp ích nhiều cho việc theo dõi đường vận chuyển súng vào tay các kẻ khủng bố.

“Rất khó để theo dõi vòng đời của một vũ khí”, Ivan Zverzhanovski, người làm việc cho một dự án lớn của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn sự gia tăng không kiểm soát được và buôn bán bất hợp pháp AK và các loại vũ khí nhỏ khác, cho biết.

“Bạn có thể biết số vũ khí nằm trong kho của quân đội Nam Tư vào cuối những năm 1980, nhưng không thể biết chúng ở đâu từ đó tới nay. Do đó, thực sự rất khó khăn để tìm hiểu làm thế nào súng được tuồn vào châu Âu. Có được thông tin chính xác là rất quan trọng”.


Mikhail Kalashnikov, tác giả của mẫu AK47 đầu tiên. Ảnh: Sipa Press
Vlatko bị cáo buộc có liên quan đến việc buôn lậu vũ khí quy mô nhỏ vào châu Âu, thường được các chuyên gia gọi với cái tên “thương mại kiến”. Cho đến tận khi bị bắt, lý lịch của Vlatko sạch hoàn toàn, không có tiền án nào, với thu nhập hợp pháp 400 euro/tháng đến từ việc làm tại một vườn nho vào mùa hè. Đó cũng là lần đầu tiên hắn sử dụng hộ chiếu cùng giấy phép lái xe quốc tế.

“Một người lần đầu tiên rời khỏi đất nước mình, mang theo vũ khí của một nửa doanh trại quân đội, điều đó có thể xảy ra sao?”, Zeljko nói. Nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi châu Âu có nhu cầu về vũ khí, các nhà buôn sẽ đáp ứng.

“Một giả định hợp lý, đó là súng được chuyển lậu theo đường bộ vận chuyển ma túy ở quy mô rất nhỏ. Chúng tôi sẽ không theo dõi các xe tải lớn, có thể chỉ là vài ba khẩu súng lục tự động hoặc súng trường tấn công tháo rời giấu trong ôtô hoặc xe buýt chạy đường dài”, Zverzhanovski cho biết. Các băng nhóm điều hành việc vận chuyển này cũng là các nhóm nhỏ có quan hệ mật thiết với nhau.

Theo một báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm: “Các nhóm tội phạm có tổ chức chịu trách nhiệm cho việc buôn bán có thể chỉ gồm một nhà môi giới và một cộng sự ở nơi nhận hàng”.

Tuy buôn bán súng không sinh lợi như buôn bán ma túy, chúng vẫn là những món lợi nhuận khổng lồ. Có thể mua Kalashnikovs tại khu vực Balkan với giá từ 300 đến 500 euro, và được bán ở châu Âu với giá lên đến 4.500 euro. Nhưng có bằng chứng cho thấy giá đang sụt giảm, một khẩu súng trường tự động hiện chỉ có giá vào khoảng từ 1.000 đến 2.000 euro, theo Nils Duquet của Viện Hòa bình Flemish.

Buôn lậu súng vào châu Âu còn có một điểm hấp dẫn khác là khó bị phát hiện, đặc biệt khi qua biên giới Schengen và thực tế là các nước châu Âu xử tội này nhẹ hơn tội buôn bán ma túy. Ngoài cách dùng người vận chuyển như Vlatko, còn có thể giấu trong các xe tải chở hàng nặng, chủ yếu từ vùng phía tây Balkan. Năm 2014, cảnh sát Thụy Điển đã chặn một lô hàng vũ khí tự động đang được vận chuyển trong một chiếc hộp đặt trên xe buýt đi từ một thị trấn ở Bosnia tới Malmö, không cần có người nào đi kèm chuyến hàng.

Sau cuộc tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, chính quyền Slovakia đã sửa luật về vũ khí chưa kích hoạt, buôn bán vũ khí trực tuyến là bất hợp pháp và buộc các nhà sưu tầm khi mua AK47 không còn được sử dụng phải đăng ký. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều bằng chứng cho thấy súng AK được sử dụng trong cuộc tấn công Charlie Hebdo và một cuộc tấn công khác sau đó hai ngày tại một siêu thị làm 5 người chết, là mặt hàng thuộc loại súng đã ngừng sử dụng, được mua bán hợp pháp tại Slokavia.

Việc chuyển đổi trái phép vũ khí đã ngừng sử dụng, từ súng ngắn tới Kalashnikovs, diễn ra trên khắp châu Âu. Trong năm 2013 một báo cáo của EU nêu ra mối đe dọa: “Cơ quan thực thi luật pháp trong EU lo ngại rằng vũ khí đã ngừng hoạt động đang được kích hoạt bất hợp pháp và được bán cho các mục đích phạm tội”.

Ở Anh, theo Mastaglio, có một “tiêu chuẩn vàng” khiến cho việc biến vũ khí đã ngừng sử dụng trở thành vũ khí giết người là bất khả. Nhưng tại một số quốc gia khác, bao gồm Slovakia, chỉ mất vài giờ để làm một khẩu súng bắn được bằng cách thông nòng và lắp đặt lại kim hỏa.

Điều tra ở Pháp tập trung đã vào việc buôn bán vũ khí đã ngừng hoạt động như một nguồn cho bọn tội phạm, và bây giờ là cho khủng bố. Trong năm 2013, Pháp bắt giữ 45 người tình nghi buôn lậu vũ khí từ Slovakia vào Bulgaria, trong một cuộc điều tra khảo sát các “dòng chảy vũ khí từ các nhà sưu tầm tới mạng lưới tội phạm”.

Năm ngoái, tại Lille, Pháp, một cuộc điều tra về sửa chữa súng đã ngừng sử dụng bất hợp pháp đã được mở ra. Một kỹ sư và một nhà buôn súng người Bỉ và một doanh nhân sống tại Lille, Claude Hermant, sở hữu công ty giao dịch mặt hàng súng ngừng sử dụng đã được đưa vào diện điều tra.

Hermant đã bị giam giữ từ tháng 1/2015, bị buộc tội buôn bán vũ khí đã ngừng hoạt động. Luật sư của ông nói rằng thân chủ của mình không bị hỏi các câu liên quan đến các vụ tấn công ở Paris.

Brussels được cho là một đầu mối trung gian khác. Thủ phủ không chính thức của châu Âu, với luật về vũ khí lỏng lẻo và một thị trường buôn bán súng hợp pháp, đã tạo ra các kỹ sư tài năng về vũ khí cầm tay. Ngoài sửa chữa súng cũ, ở đây còn có thể lắp ráp súng mới từ nhiều phần khác nhau của súng hỏng. Hiện nơii đây là trung tâm của các cuộc điều tra về nguồn cung cấp vũ khí cho khủng bố.

Mehdi Nemmouche, bị buộc tội giết chết bốn người tại bảo tàng Do Thái ở Brussels; Ayoub el-Khazzani, bị cáo buộc cố gây ra một vụ xả súng hàng loạt trên tàu Thalys trong tháng 8 và Coulibaly, kẻ giết 5 người trong siêu thị đều được cho là được cung cấp súng từ các nhà môi giới ở Brussels. Các điều tra viên người Bỉ cũng nghi ngờ rằng các tay buôn súng địa phương có thể đã cung cấp một số vũ khí cho những tên tấn công vào các quán cà phê, quán bar, một trận đấu bóng đá và một phòng hòa nhạc ở Paris làm 130 người thiệt mạng vào ngày 13/11/2015.

Địa điểm chuyển giao súng ở Brussels cũng rất đa dạng, có thể là ở các khu phố nhếch nhác quanh Gare du Midi, hoặc trong một căn hộ, một khu rừng hay bãi đậu xe.


Các tuyến buôn lậu ở Balkan. Đồ họa: Guardian
“Đây là một vấn đề của châu Âu”, Duquet nói. “Nơi nào có tội phạm nghiêm trọng chắc chắn sẽ có một thị trường chợ đen buôn bán súng”. Theo ông, trong hai năm qua, khủng bố đã chuyển từ sử dụng bom sang súng.

“Một nguyên nhân là, chất nổ khó mua bán hơn súng đạn, vốn có sẵn trên chợ đen phi pháp. Vũ khí tự động rất phù hợp để gây ra nhiều thương vong trong một thời gian ngắn, đó chính là mục đích của khủng bố. Do đó, khi nhu cầu tăng thì nguồn cung cũng sẽ phát triển theo”.

Nhu cầu

Trong 4 năm qua, thương mại vũ khí bất hợp pháp đã được phát triển để cung cấp cho nhu cầu của bọn tội phạm ngày càng ưa thích AK47 trong các quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan.

Một quan chức cấp cao của Croatia cho biết buôn lậu vũ khí gần đây đã vượt qua ma túy. Trong năm 2010, chính quyền Pháp đã tiết lộ lượng súng bị tịch thu đã tăng vọt tới 79%, với 2.710 vũ khí bị thu hồi, với số lượng AK47 tăng dần.

“Người Pháp bắt đầu gia tăng hoạt động tố tụng hình sự liên quan đến vũ khí, đặc biệt là súng tiểu liên vào khoảng 2011. Các báo cáo đều thể hiện sự ngạc nhiên của họ”, Zverzhanovski nói.

Europol, đơn vị cảnh sát tình báo của Liên minh châu Âu, cho biết trong năm 2011 “có một xu hướng tăng dần, bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong việc sử dụng các vũ khí nhỏ hạng nặng … như súng tiểu liên”.

Các bằng chứng ngày càng gia tăng đã khiến người Pháp phải thắt chặt luật về súng năm 2012, có biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với buôn bán súng, với hình phạt nâng lên 7 năm tù giam và nộp phạt 100.000 euro.

Tuy nhiên, xu hướng sử dụng Kalashnikovs vẫn tiếp tục tăng. Trong năm 2012 đã có hai vụ nổ súng liên tiếp bên ngoài các hộp đêm vào cuối tuần ở miền bắc nước Pháp, do những kẻ phạm tội sở hữu Kalashnikovs thực hiện. Vào tháng 3, hai người đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương khi một nhóm tội phạm sử dụng Kalashnikovs trong một quán rượu ở Gothenburg, Thụy Điển. Một nguồn tin từ cảnh sát Hà Lan cho biết, từ năm 2012 đã có 20 vụ giết người hoặc cố gắng thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm, với 44 loại súng cầm tay được sử dụng. Gần một nửa là loại súng trường tấn công Kalashnikov.

Ngay cả ở Anh, nơi Bộ trưởng Nội vụ Theresa May tự hào đã kiểm soát được biên giới nhằm ngăn chặn việc buôn bán của súng trường tấn công mạnh mẽ vào nước này, cảnh sát đã thu giữ được 22 khẩu Kalashnikov, 9 khẩu súng máy ngắn Skorpion, 58 ổ đạn và 1.000 viên đạn trong một chiếc xe rời khỏi bến du thuyền Cuxton ở Kent vào tháng 8.

Đối với các nhà điều tra theo dấu khủng bố, cách chúng lấy được vũ khí, mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và khủng bố là rất quan trọng. Theo Duquet, để có được vũ khí, ngoài tiền còn cần các sự liên kết. Các mối liên kết giữa các băng đảng tội phạm và mạng lưới cực đoan châu Âu thường bị đánh giá thấp.

Theo báo cáo về tình hình và xu hướng khủng bố trong năm 2015 của châu Âu, súng cầm tay đã trở thành vũ khí phổ biến nhất trong các cuộc tấn công khủng bố ở đây.

Phản ứng của chính quyền các nước

Phải đến năm 2013, Europol mới thiết lập một đơn vị chuyên gia về vũ khí. “Gần đây việc buôn bán vũ khí bên trong châu Âu mới trở thành ưu tiên”, Nicolas Florquin, nhà nghiên cứu cao cấp về vũ khí của tổ chức Small Arms Survey cho biết.

“Kiến thức hiện tại về buôn lậu vũ khí ở châu Âu vẫn còn sơ sài, lượm lặt từ một vài vụ bắt giữ và tịch thu cụ thể, dẫn đến các ước tính trái ngược nhau về quy mô của vấn đề”.

Cũng trong năm 2013, bắt đầu có các cuộc thảo luận trong Liên minh Châu Âu về sự cần thiết của việc chuẩn hóa phương pháp vô hiệu hóa vũ khí. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên chỉ là trung bình. Nhưng sau cuộc tấn công Paris vào tháng 11/2015, một chỉ thị để chuẩn hóa việc vô hiệu hóa vũ khí trên toàn EU đã được vội vã đưa lên. Nó bao gồm các quy định chặt chẽ về việc cấm sở hữu tư nhân của súng Kalashnikov, ngay cả trường hợp súng không thể sử dụng.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan