Thành thị Việt Nam đất chật người đông trên báo Pháp

Khi bà Vu Thi Linh và gia đình chuyển từ căn nhà thoáng mát ở quê lên căn phòng trọ bé như lỗ mũi ở Hà Nội, bà chỉ mong con cái mình có được môi trường học hành tốt mà cha mẹ chúng đã không có cơ hội được hưởng.

phụ nữ lượm rác thải

Một phụ nữ thu lượm đồ phế thải trên phố Hà Nội. Ảnh: AFP

Gia đình của bà Linh là một trong hàng trăm nghìn người đổ về Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi năm. Đây là một phần nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất ở châu Á, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế đi lên, các thành phố của Việt Nam cũng phải vật lộn để đối phó với một lượng người khổng lồ rời bỏ quê hương đi mưu sinh, trong khi người già và trẻ nhỏ bị bỏ lại ở các ngôi làng.

Bà Linh lên Hà Nội hồi tháng 6, sau khi hai cô con gái đỗ đại học.

“Tôi không nghĩ cuộc sống ở chốn thị thành có gì vui sướng, nhưng vì tương lai của con cái, tôi đã phải thay đổi quan điểm”, bà nói với hãng tin Pháp AFP. “Chúng được học hành đàng hoàng hơn và bây giờ không muốn về quê sống nữa”.

Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã nhanh chóng từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, thiếu lương thực, vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình và là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dù còn nhiều vấn đề chưa được khắc phục trong lĩnh vực ngân hàng và nhà nước, GDP của Việt Nam đang tăng nhanh hơn dự kiến trong năm nay và các nhà phân tích nhận định Việt Nam là một trong số ít các nước ở Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu tăng chóng mặt.

Khoảng 70% trong số 90 triệu dân Việt Nam vẫn đang sống nhờ nông nghiệp ở các vùng nông thôn, nhưng giới lãnh đạo đề ra mục tiêu đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2035.

Nhiều người đã đổ lên thành phố để làm việc trong nhà máy sản xuất theo hướng xuất khẩu, thường là ở các khu công nghiệp ngoại thành các trung tâm đô thị lớn, trong ngành xây dựng và dịch vụ.

Thu nhập tốt hơn

Tuy nhiên, với những người mới lên thành phố, chẳng có điều gì là dễ dàng.

Bà Linh đã đánh đổi 500 mét vuông vườn cây ăn quả và rau xanh ở tỉnh Thái Bình để đổi lấy một căn phòng trọ chỉ 20 mét vuông với hai con gái.

Tuy nhiên, 300.000 đồng mà bà kiếm được mỗi ngày nhờ làm lao công và thu nhặt phế liệu đáng giá hơn số tiền mà bà làm ra hồi còn ở quê.

 

“Cuộc sống ở quê quá khó khăn. Chúng tôi không kiếm được là bao và suốt ngày cặm cụi ở ngoài đồng”, ông nói.

Quê ở tỉnh Hà Nam, hiện ông Mung đang làm thợ điện còn vợ ông mở một cửa hàng con con. Thu nhập của hai người vào khoảng 13 triệu rưỡi một tháng, vừa đủ để trả tiền thuê nhà và ăn học cho hai đứa con.

“Đời sống ở đây chẳng dễ dàng gì. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chắt bóp cho con cái. Tôi mong chúng có cuộc sống tốt hơn chúng tôi”, ông nói.

Từ năm 2000 đến 2010, khoảng 7,5 triệu người đã lên các thành phố của Việt Nam sinh sống, theo số liệu từ WB, với tỷ lệ đô thị hóa là 4,1%. Trong số 14 nước mà WB nhắc đến ở Đông Á, chỉ có Lào và Campuchia là có tỷ lệ đô thị hóa cao hơn Việt Nam.

Với 23 triệu người đang sống ở các thành phố, Việt Nam là quốc gia có mức độ đô thị hóa đứng thứ 6 ở Đông Á.

“Ngày càng có nhiều cơ hội và công việc với mức thu nhập khá ở vùng nông thôn”, ông Dang Nguyen Anh, giám đốc Viện Xã hội học Việt Nam, cho biết. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay không thích cách sống  truyền thống ở nông thôn.

“Rất khó để cưỡng lại trước sức hấp dẫn của cuộc sống thị thành”, ông Anh nói.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ

tắc đường

Tắc đường trong giờ cao điểm ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Giới chức cho hay có khoảng 100.000 người đổ lên Hà Nội mỗi năm và con số này ở TP. Hồ Chí Minh là khoảng 130.000 người. Ở một quốc gia nơi mà với nhiều người, cụm từ “về nhà” đồng nghĩa với việc “về quê”, đây là một sự dịch chuyển lớn.

Những người mới lên thành phố, chủ yếu là sinh viên và lao động chưa có tay nghề, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây áp lực về văn hóa, giáo dục, giao thông, chăm sóc sức khỏe, một quan chức thành phố Hà Nội nói.

Giới chức Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải tiến cơ sở hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước, để có thể bắt kịp mức phát triển của thành phố. Tắc đường đã trở thành một vấn nạn, trong khi bệnh viện và trường học đối mặt với tình trạng quá tải.

Tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 85.000 học sinh nhập học và ở một số khu vực, một nửa trong số này là con em từ các tỉnh khác, dù hệ thống đăng ký hộ khẩu khá phức tạp khiến những người từ các tỉnh lên thành phố lớn khó tiếp cận với dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Ông Dang Nguyen Anh cho rằng thực trạng trên cũng là điều dễ hiểu. “Nếu tìm được công việc tốt, bạn sẽ chẳng muốn quay về quê”, ông nói.

Anh Ngọc

 

comments

Nội dung liên quan