Bị lừa đi xuất khẩu lao động, nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng

Bị lừa đi xuất khẩu lao động, nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng

            Trò chuyện với chúng tôi, anh Sơn Sô Đa (39 tuổi) và vợ là chị Triệu Thị Thông (38 tuổi, ngụ tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) cho biết: Khoảng cuối năm 2016, do cuộc sống gia đình khó khăn nên khi gặp đối tượng Lâm Lên (SN 1984, ngụ tại ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2) cho biết có quen với một người dân địa phương hiện đang sinh sống tại Mỹ và người này cho biết sẽ giúp bà con người địa phương tìm việc làm ở Mỹ với thu nhập 1.000 USD/tháng.

           Sau nhiều lần trao đổi, tin lời xúi giục của Lâm Lên, vợ chồng anh Sơn Sô Đa cầm cố một công đất được một cây vàng, vay thêm ở ngân hàng đủ 3.000 USD đưa cho Lên để lo cho 2 vợ chồng đi xuất khẩu lao động tại Mỹ.

          Sau khi nhận tiền của vợ chồng anh Đa xong, Lâm Lên không thực hiện lời hứa mà bỏ trốn khỏi địa phương. Lúc này, vợ chồng anh Đa mới ngã ngửa người ra vì không chỉ vợ chồng anh bị Lâm Lên lừa mà ở xã Đại Ân 2 có hàng chục người cũng rơi vào bẫy của Lâm Lên.

          Chị Thông cho biết: “Lúc đầu Lâm Lên bảo vợ chồng tôi đưa cho y 1.000 USD để lo thủ tục cho 2 người đi xuất khẩu lao động ở Mỹ. Sau đó khoảng nửa tháng, Lên nói đưa thêm 2.000 USD nữa để hoàn tất làm giấy tờ. Tin lời y, chúng tôi đã đưa đủ tiền, nhưng giấy tờ cũng chưa xong cho đến khi biết Lâm Lên trốn khỏi địa phương”.

 

Vợ chồng anh Sơn Sô Đa bị lừa mất 3.000 USD vì tin lời “cò” xuất khẩu lao động sang Mỹ.

            Ông Thái Văn Bằng – Trưởng Công an xã Đại Ân 2, cho biết: “Vào khoảng cuối năm 2016, một số người dân gửi đơn đến công an và UBND xã tố cáo hành vi của Lâm Lên. Qua xác minh và số người đến trình báo, chúng tôi xác định ở xã Đại Ân 2 có 15 người, còn ở các địa phương khác trong tỉnh và ở tỉnh Bạc Liêu có 22 người. Trong số 37 người này, người đưa cho Lâm Lên ít nhất là 500 USD, người nhiều nhất là 5.000 USD”.

            Theo danh sách, người đưa cho Lâm Lên 500 USD là ông L.S. (ngụ xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề), người đưa 5.000 USD là ông L.P. (ngụ xã Đại Ân 2), ông S.X.P. và ông T.T. (cùng ngụ tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu); có 8 người đưa 2.200 USD; 2 người ở thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng) đưa 2.000 USD/người, số còn lại đều đưa 1.500 USD.

             Được biết, vào khoảng tháng 10/2016, một số đối tượng gồm: Sơn Minh Hòa, Trần Thị Ngọc, Triệu Vên (đều là người ở địa phương) đang sống ở Mỹ, đã vận động, lôi kéo người địa phương hoặc người thân của họ làm hồ sơ sang Mỹ lao động. Khi đồng ý xuất cảnh thì họ giới thiệu gặp đối tượng Lâm Lên để được đối tượng này hướng dẫn làm hồ sơ.

            Quá trình làm hồ sơ, Lâm Lên yêu cầu mỗi trường hợp phải nộp từ 1.500 – 5.000 USD, với lời hứa sẽ nhờ vợ chồng Trần Thị Ngọc bảo lãnh sang Mỹ

           Từ khoảng tháng 10/2016 đến tháng 3/2017, bằng các thủ đoạn, những đối tượng này đã vận động, hướng dẫn làm hồ sơ cho 106 trường hợp ở các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) và một số địa phương thuộc tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, có 30 trường hợp nộp tiền cho Lâm Lên với tổng số tiền lên đến 57.000 USD. Tuy nhiên, đến nay không có trường hợp nào xuất cảnh, còn Lâm Lên thì bỏ trốn.

            Ông Triệu Nhỏ – Trưởng Ban Nhân dân ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2) cho biết: “Ngoài gia đình chị Triệu Thị Thông, thời gian qua có hàng chục người dân ở các huyện Trần Đề, Long Phú cũng rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất bởi giấc mơ xuất khẩu lao động sang Mỹ không thành. Nhiều trường hợp phải nộp số tiền lớn để được sang Mỹ. Nhưng sau nhiều lần trễ hẹn, các hộ mới biết đã bị lừa và cũng không thể lấy lại được số tiền. Hiện nay, nhiều người đã phải bỏ quê đi làm thuê ở Bình Dương, Đồng Nai”.

Đối tượng Lâm Lên, người được người dân cho là đã lừa đảo qua việc lấy tiền để lo đi xuất khẩu lao động.

           Ông Thái Văn Bằng – Trưởng Công an xã Đại Ân 2, cho biết thêm: “Hiện nay vụ việc đang được Công an tỉnh Sóc Trăng thụ lý. Chúng tôi khuyến cáo bà con ở địa phương nếu có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thì hãy tìm đến các cơ quan chức năng để được tư vấn, hướng dẫn, tránh nghe lời các đối tượng không có chức năng xuất khẩu lao động để rồi mất cả chì lẫn chài”.

            Từ vụ việc trên cho thấy, các đối tượng lừa đảo chủ yếu nhắm đến người dân tộc Khmer, kinh tế khó khăn, có nhu cầu xuất khẩu lao động kiếm tiền nhưng lại không hiểu rõ các quy định của Nhà nước. Các đối tượng này vẽ ra viễn cảnh khi lao động ở Mỹ có thu nhập cao, thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng, nên dễ bị lừa đảo.

Tuyển Trực tiếp điện tử Thăng Dương (không qua trung gian môi giới)

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

comments

Nội dung liên quan