Bất cập trong xây dựng NTM: Gió lớn nhà sập, cổng rào còn nguyên!

 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã có biểu hiện nôn nóng, chạy theo thành tích…

 

Muốn đón nhận danh hiệu xã/huyện nông thôn mới, trước hết các địa phương phải cán đích thành công các tiêu chí về NTM. Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình NTM, hầu hết các tiêu chí (trên tổng số 19 tiêu chí) đều đã đạt chuẩn ở nhiều địa phương.

Nhưng thật nguy hiểm khi con số thành tích đạt được lại không trùng khớp, thậm chí khác xa với tình hình thực tế.

Sự việc xảy ra tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã cho thấy điểm bất cập lớn trong xây dựng NTM tại địa phương này, khi cán bộ yêu cầu người dân phải làm cổng rào bằng bê tông để “đủ điều kiện công nhận xã nông thôn mới” mà không “bỏ sót” các hộ nghèo.

Hãy nhìn cảnh tượng cổng rào chưa hoàn thiện ở gia đình chị Trần Thị Mỹ Lợi (ấp Phương Bình):

Cổng rào bê tông

“Cổng rào” bê tông nhà chị Trần Thị Mỹ Lợi. Ảnh: Tuổi Trẻ Online.

Rõ ràng, căn nhà mái lá ọp ẹp phía sau càng tôn lên độ chắc chắn của cổng rào (thực chất là hai cột bê tông, một bên gắn số nhà, một bên gắn khẩu hiệu“Gia đình quyết tâm xây dựng và giữ vững xã nông thôn mới”).

Trộm nghĩ, nếu gió lớn làm nhà sập thì cổng rào nhà chị có lẽ vẫn còn nguyên!

Cả nước đang chung tay thực hiện nông thôn mới. Vậy thì trong số đó có bao nhiêu gia đình dù “nhà lá” nhưng phải nghe xã xây cổng bê tông như nhà chị Lợi?

Liệu rằng ở vào hoàn cảnh tương tự, hình thức tuyên truyền bằng cổng chào, cụm pa-nô, áp phích có thực sự “khơi dậy được sự chủ động của người dân thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhà nước” và “khích lệ người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”? Hay người dân sau khi vay mượn để xây dựng cổng rào phải nai lưng ra làm để trả nợ, nghèo vẫn hoàn nghèo?

Nên nhớ rằng công tác xóa đói giảm nghèo luôn được gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chừng nào phần đông người nghèo còn chưa thoát nghèo thì chừng ấy bộ mặt nông thôn không thay đổi.

Những cổng chào tuyến dân cư kiểu mẫu xuất hiện ngày một nhiều ở các huyện, xã, ấp (thôn) trên cả nước, phần nào đó cho thấy “khát khao” về đích đúng hạn trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Tuy nhiên, bài học về hàng loạt danh hiệu văn hóa với những giá trị ảo từ hàng triệu tấm giấy chứng nhận vẫn còn nguyên. Các tiêu chí nông thôn mới không thể áp dụng chung cho mọi địa phương, vùng miền. Nên chăng, đội ngũ cốt cán ở các địa phương cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương mình để có những bước đi đúng đắn, phù hợp hơn.

Đừng bao giờ để nông thôn mới chỉ “mới” ở cái cổng chào!

Ngân Hà

 

comments

Nội dung liên quan