Vừa thoát cấm vận, Iran lại mắc bẫy cô lập của Arab Saudi

Căng thẳng ngoại giao leo thang với Arab Saudi đang khiến Iran có nguy cơ bị các nước trong khu vực cô lập, ngay khi nước này vừa đạt được thỏa thuận với phương Tây về nới lỏng các lệnh cấm vận.

Người biểu tình Iran mang theo ảnh giáo sĩ Nimr al-Nimr bị Arab Saudi xử tử. Ảnh: Reuters
Cuối tuần trước, khi một đao phủ của chính quyền Arab Saudi hành hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, cộng đồng người Shiite tại Iran đã xem đó như hành động cố ý khiêu khích. Chỉ vài giờ sau vụ hành hình, các trang web mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại Iran đã kêu gọi tổ chức tuần hành trước đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran, cũng như tòa lãnh sự tại thành phố Mashhad. Cảnh sát, lọt thỏm trong biển người biểu tình, đã không làm được gì khi đám đông giận dữ phóng hỏa đại sứ quán bằng bom xăng, leo qua hàng rào và đập phá một phần tòa nhà.

Giờ các nhà lãnh đạo Iran buộc phải tính toán lại xem liệu có phải họ đã rơi vào thế trận của Saudi, khi bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới, đúng thời điểm Tehran đang hy vọng thoát khỏi trừng phạt quốc tế.

Theo NYTimes, Iran có thể đã muốn tranh thủ sự giận dữ toàn cầu sau các vụ hành quyết của Arab Saudi, nhưng thay vào đó, họ một lần nữa khiến mình bị các đối thủ biến thành kẻ khiêu khích trong khu vực cũng như ở nước ngoài.

“Họ biết rằng chúng tôi không thể ngó lơ”, Fazel Meybodi, một giáo sĩ tại thành phố thiêng Qum của Iran nói. “Vậy nhưng họ lại vẫn hành hình ông ấy. Điều đó khiến chúng tôi sững sờ”.

Cô lập

Sau vụ tấn công vào đại sứ quán, Arab Saudi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Bahrain và Sudan sau đó cũng có hành động tương tự. Tiếp đến, UAE, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Iran trong khu vực, đã quyết định giáng cấp quan hệ. Kuwait cũng triệu đại sứ tại Iran về nước.

Những bước đi trên đã chính thức hóa sự chia rẽ giữa người Sunni và Shiite, vốn từng là nguồn gốc của những cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Trung Đông. Và những cuộc chiến đó đã gây sức ép lên Mỹ cũng như các cường quốc phương Tây, phải chọn giữa đồng minh Saudi hay Iran, đúng lúc những quốc gia này đang xích lại gần Iran, với hy vọng hạ nhiệt cuộc chiến tại Syria.

Xem thêm: Nguồn gốc chia rẽ giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite

Mới tháng trước, ngoại trưởng của Saudi và Iran đã ngồi đối diện nhau trong một cuộc họp cấp cao tại New York để bàn về Syria. Vào ngày 25/1 tới, các cuộc hội đàm giữa các bên tham chiến tại Syria, dưới sự giám sát của nhà trung gian Liên Hợp Quốc, Staffan de Mistura, dự kiến sẽ diễn ra tại Geneva. Vẫn chưa rõ ai sẽ đại diện cho chính quyền Syria hay các nhóm đối lập tham chiến, nhưng với những căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Arab Saudi, tình hình càng trở nên khó đoán định hơn.

Một số quan chức Iran từng hy vọng tháng một sẽ trở thành dịp ăn mừng vị thế đang lên của nước này. Sau nhiều năm đàm phán vất vả, các lệnh cấm vận nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran đã được dỡ bỏ. “Một khi thỏa thuận hạt nhân được thực thi, nhân dân của chúng ta sẽ được hưởng hòa bình và mở cửa nền kinh tế với thế giới”, Tổng thống Hassan Rouhani đã nói vậy trong một bài phát biểu hồi tháng trước.

Ông cũng tuyên bố một số quốc gia “đối địch” trong khu vực đã tìm cách cản trở thỏa thuận hạt nhân, “nhưng họ đã thất bại”. Tuyên bố này được cho là ám chỉ Israel và Arab Saudi. Nhưng giờ người Iran đang tự hỏi liệu có phải Arab Saudi đã một lần nữa giành thế chủ động trong cuộc khủng hoảng ngoại giao mới hay không.

“Arab Saudi đã hành hình ông al-Nimr tại thời điểm nhạy cảm này để làm gia tăng khoảng cách giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite”, giáo sỹ Iran Meybodi nhận định từ thành phố thiêng Qum. “Thật không may, họ đã tính trước được phản ứng thái quá của chúng tôi, và giờ họ đang sử dụng nó để cố gắng cô lập Iran một lần nữa”.

Ngài vụ xử tử, trong những tháng qua, giữa Iran và Arab Saudi cũng có nhiều điểm nóng, trong đó gây căng thẳng nhất là thỏa thuận hạt nhân, cuộc chiến tại Syria và Yemen.

Tại Iran, sự giận dữ cũng lên cao sau cách xử lý của Arab Saudi với vụ giẫm đạp trong cuộc hành hương về thánh địa Mecca. Trước đó, hồi mùa hè, Iran đã tạm ngừng dòng người nước mình đổ về thánh địa, với cáo buộc nhân viên an ninh Arab Saudi lạm dụng tình dụng 2 cậu bé Iran. Và đến tháng 9, hàng trăm người Iran đã bị giẫm đạp, tử vong trong cuộc hành hương.

Việc Arab Saudi phản đối thỏa thuận hạt nhân cũng như dỡ bỏ cấm vận với Iran càng làm người Iran thêm khó chịu. Nhiều người cho rằng Arab Saudi ngả theo lợi ích của Israel, và xem nước này là kẻ thù. “Cả hai nước đều phản đối thỏa thuận hạt nhân, cả hai đều muốn nó thất bại”, Hamid Reza Taraghi, một nhà phân tích chính trị bình luận.

Khủng hoảng trong nước

Những căng thẳng trong nước tại Iran cũng đang lộ ra trong cuộc khủng hoảng. Thỏa thuận hạt nhân không nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại nước này, khi một số cho rằng chính quyền đã nhượng bộ quá nhiều. Với các cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trong tháng hai, và cuộc bầu chọn hội đồng giáo sĩ – cơ quan về mặt lý thuyết sẽ chọn ra nhà lãnh đạo tối cao mới – đang đến gần, những người có tư tưởng cứng rắn chắc chắn sẽ tranh thủ vấn đề này cùng cuộc khủng hoảng với Arab Saudi để gạt đi các đồng minh của Tổng thống Rouhani, cũng như những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân.

“Nhóm nào tại Iran hưởng lợi chính trị từ vụ đốt phá đại sứ quán?”, ông Aziz Shahmohammadi, một cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Iran nói. Ông cho rằng câu trả lời là những người có tư tưởng bảo thủ, gồm một liên minh lỏng lẻo giữa các giáo sĩ, những nhà lý luận và các tư lệnh quân đội. “Những người đó thậm chí còn phản đối việc để huấn luyện viên nước ngoài dẫn dắt các đội bóng trong nước”.

Vụ tấn công đại sứ quán đã tiếp sức cho chương trình nghị sự của các nhóm đối lập với Tổng thống Rouhani, người ông Shahmohammadi cho rằng rõ ràng đã bị “đánh lén” bởi vụ quấy phá.

“Với họ, việc này có thể dẫn tới lợi thế trong bầu cử, một ví dụ cho thấy Iran bị cô lập vẫn tốt hơn. Nhưng họ đang bỏ qua một bức tranh lớn hơn đó là chúng ta cần và muốn có hòa bình, ổn định”, ông Shahmohammadi nói

Việc cắt đứt các quan hệ có vẻ đơn giản, nhưng hậu quả là khó lường. “Chúng ta đang ngày càng tiến gần một cuộc xung đột. Điều này bất lợi cho toàn khu vực, tại Syria, tại Yemen, và thậm chí cả Lebanon và Iraq”, nhà phân tích này nhận xét.

“Cắt đứt quan hệ càng làm bùng lên ngọn lửa trong một khu vực vốn đã bị lửa bao trùm”.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan