Thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên chết yểu như thế nào

Dù ký tên vào các bản thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Triều Tiên chưa bao giờ có dấu hiệu muốn từ bỏ những chương trình phát triển chúng.

Một người đàn ông ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hôm 6/1 theo dõi bản tin về việc Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch. Ảnh: Bloomberg
Triều Tiên từng ba lần thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009 và 2013. Nhưng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch mà nước này đưa ra tuần trước vẫn khiến cả thế giới bất ngờ, bởi bom nhiệt hạch là một loại vũ khí vô cùng nguy hiểm, có sức công phá lớn hơn gấp nhiều lần các loại bom nguyên tử khác. Giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ, cho rằng Bình Nhưỡng chưa thể nắm trong tay công nghệ chế tạo và thử nghiệm bom nhiệt hạch. Vụ thử thứ 4 này không có gì khác biệt so với những lần trước đây, theo Washington Post.

Nhưng bất chấp những mối ngờ vực, cuộc thử nghiệm vừa qua rõ ràng là bằng chứng cho thấy bản thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên ký kết năm 1994 đã thất bại. Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong gần 20 năm qua và chưa muốn ngừng lại.

Triều Tiên được cho là có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân từ những năm 1960, khi họ nhờ cậy sự giúp đỡ từ Liên Xô, quốc gia mạnh nhất trong lĩnh vực này tại thời điểm đó. Moscow nhiều lần từ chối yêu cầu và âm thầm thúc giục Bình Nhưỡng tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Đây là một hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế sự phát triển của vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên năm 1985 cuối cùng cũng ký tên vào hiệp ước nhưng không đi đến được thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bình Nhưỡng lấy việc Mỹ vẫn giữ vũ khí hạt nhân ở khu vực miền nam bán đảo Triều Tiên để biện minh cho hành động của mình. Sau khi số vũ khí trên rút hoàn toàn khỏi Hàn Quốc vào năm 1991, Triều Tiên mới ký vào thỏa thuận với IAEA.

Tuy nhiên, IAEA gặp nhiều khó khăn khi muốn tiến hành điều tra các bãi thử ở Triều Tiên, làm dấy lên nghi ngờ Bình Nhưỡng vẫn tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Căng thẳng cứ thế gia tăng và đến năm 1994, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi thỏa thuận của IAEA, đồng thời cho biết có ý định rút khỏi cả NPT.

Song, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Clinton đã giúp xây dựng một bản thỏa thuận mới. Theo đó, Triều Tiên đồng ý đóng băng rồi dần từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy hai nhà máy điện nguyên tử, mỏ dầu cùng một cam kết nới lỏng trừng phạt và bình thường hóa quan hệ từ Mỹ. Việc đạt thỏa thuận trên được miêu tả như một sự kiện mang tính bước ngoặt.

“Thỏa thuận này tốt cho Mỹ, tốt cho đồng minh của chúng ta và tốt cho sự an toàn của cả thế giới”, ông Clinton nói. “Nó làm giảm sự nguy hiểm từ những mối đe dọa hạt nhân trong khu vực. Đây là một bước quan trọng để kéo Triều Tiên vào với cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, chương trình này lại gây nhiều tranh cãi bên trong nước Mỹ. Nó được ký kết trực tiếp giữa tổng thống Mỹ với chính phủ Triều Tiên mà không cần sự cho phép của quốc hội. Bất đồng chính trị đã tạo ra không ít trở ngại trong việc thực hiện các điều khoản của hiệp định, cũng như nới lỏng trừng phạt. Một số người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng Triều Tiên vẫn tìm cách để ngấm ngầm xây dựng các chương trình vũ khí hạt nhân.

Khi George W. Bush lên làm tổng thống Mỹ vào năm 2001, ông đã nỗ lực để duy trì một lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Năm 2002, Mỹ tiếp tục đối đầu với Triều Tiên sau khi xuất hiện bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng theo đuổi một chương trình làm giàu uranium bí mật. Hiệp đinh năm 1994 bị phá vỡ, Triều Tiên tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Kể từ đó, nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng liên tục thất bại. Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Nước này bị nghi là đang sở hữu từ 10 đến 16 vũ khí hạt nhân.

Sau ba vụ thử hạt nhân cùng một lần phóng vệ tinh vào năm 2012 của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Bình Nhưỡng với những phương tiện cần thiết cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, Triều Tiên vẫn không cho thấy dấu hiệu muốn dừng lại. Ngoài vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua, Triều Tiên còn tuyên bố có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa.

Triều Tiên “không quan tâm tới các cuộc đối thoại nhằm thảo luận về vấn đề đóng băng hay đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân”, một quan chức Bộ Ngoại giao nước này hồi tháng 7 tuyên bố.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan