Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm trong mối quan hệ với Nga

Ankara và Moscow từng xảy ra nhiều bất đồng nhưng điều này không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn căng thẳng trong quan hệ hai nước trở nên trầm trọng hơn khi bắn rơi máy bay Nga.
svKLGLFfxpN8QwUwjwftAFTAmeFNf7-1732-8614-1448507361
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hôm 23/9 tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Điện Kremlin. Ảnh: PPIO
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, nối dài chuỗi xung đột giữa hai quốc gia kể từ khi Nga triển khai không kích ở Syria. Chiến dịch quân sự của Moscow được cho là nhằm cả vào những ngôi làng của người Turk ở khu vực tây bắc Syria. Điều này khiến Ankara giận dữ.

Vụ bắn rơi máy bay là lần va chạm đầu tiên giữa một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Syria hồi cuối tháng 9. Kịch bản đối đầu nguy hiểm mà NATO và liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu muốn tránh xa nay trở thành hiện thực.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đây nhiều lần thể hiện quan ngại về việc Nga không kích các mục tiêu người Turk. Đây là một nhóm người thiểu số theo đạo Hồi dòng Sunni mà nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ coi như họ hàng. Sự tồn tại của cộng đồng này có ý nghĩa quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Giống Ankara, người Turk cũng có quan điểm chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Phiến quân người Turk cho rằng việc Nga mở rộng hoạt động quân sự sang vùng Latakia, tây Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ Syria, lực lượng Hezbollah của Lebanon và các lực lượng Hồi giáo dòng Shiite của Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước triệu tập đại sứ Nga để phản đối những trận không kích “dữ dội” vào các ngôi làng người Turk. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết Ankara đã yêu cầu Moscow chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng hoạt động quân sự của Nga không phải chống khủng bố mà là chống lại dân thường người Turk. Hành động này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”, Guardian dẫn thông báo từ bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Bộ này cũng thêm rằng Nga còn đánh bom các ngôi làng người Turk ở khu vực Bayır-Bucak, tây bắc Syria, gần biên giới tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với Ankara, khu vực người Turk ở tây bắc Syria mang ý nghĩa chiến lược. Nó như một vùng đệm ngăn chặn sự bành trướng của các lực lượng quân sự người Kurd ở Syria. Những lực lượng này được cho là có liên hệ với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – lực lượng chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hàng chục năm qua.

Báo giới Thổ Nhĩ Kỳ thống kê chỉ trong tuần vừa qua đã có hàng nghìn người dân ở 50 ngôi làng người Turk buộc phải rời bỏ khu vực Gimam, vùng Latakia. Các báo cáo cũng cho thấy nhiều người tị nạn Turk phải tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ qua tỉnh Hatay.

Omer Abdullah, thủ lĩnh Lữ đoàn Sultan Abdulhamit người Turk, đã kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp nhằm chấm dứt các trận không kích kéo dài cả tháng qua, hãng thông tấn Cihan đưa tin.

“Chúng tôi đang cố chịu đựng những cuộc tấn công khủng khiếp ấy và rất cần sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Abdullah nói. “Những người anh em Turk của tôi đang bị sát hại mỗi ngày và chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ. Tại sao lại bỏ mặc chúng tôi thế này?”.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) cũng bị cáo buộc tuồn lậu vũ khí cho các lực lượng người Turk hồi đầu năm. Tờ Cumhuriyet ngày 29/5 đưa ra một báo cáo trong đó chứa nhiều bức ảnh các xe tải được cho là của MIT đang chở vũ khí lậu.

Ngoài ra, giới phân tích đánh giá sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria còn khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảm thấy bất mãn. Ông này từng thề hạ bệ Tổng thống Assad khi những nỗ lực hoà giải nội chiến hồi năm 2011 do Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng bị Syria khước từ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều cho rằng sự hiện diện của Nga sẽ làm tình hình thêm rối ren, kéo dài cuộc nội chiến tại Syria và làm trầm trọng hơn vấn đề tị nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay có hơn hai triệu người Syria di cư qua con đường này.

Bình luận viên Simon Tisdall nhận định ông Erdogan có lẽ còn cảm thấy không hài lòng vì hồi tháng 9 không được tham vấn về dự định của Nga ở Syria trong phiên làm việc với Tổng thống Putin ở Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có quá khứ căng thẳng vì nhiều tranh chấp, ví như việc Nga hỗ trợ Nagorno – Karabakh ly khai khỏi Azerbaijan, cuộc chiến giữa người Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ và người Tsarist ở Nga những năm 1877 – 1878… Mối quan hệ được cải thiện tương đối trong những năm gần đây nhờ các thoả thuận về năng lượng và giao thương giữa hai nước.

Nhưng cũng vì thế mà sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga ngày càng gia tăng. Nga hiện là đối tác lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ và 60% khí tự nhiên nước này tiêu thụ đều đến từ Nga.

Chính vì vậy, ông Erdogan chắc chắn không mong muốn sự cố biên giới lần này vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng những diễn biến tiếp theo sẽ chịu tác động của nhiều bên liên quan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tự định đoạt, Tisdall bình luận.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan