Nga tăng răn đe Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa không đối không

Với việc trang bị tên lửa không đối không cho Su-34, Tổng thống Putin muốn thể hiện hình ảnh mạnh mẽ và gửi lời cảnh báo đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước tham chiến tại Syria rằng ông sẽ không để mất thêm một máy bay nào khác.
ox1ulaxpx93xwzkwu1gr-5831-1448943104
Tiêm kích bom Su-34 Nga tại Syria được trang bị tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Ảnh: RT
Nga hôm qua thông báo máy bay Su-34 lần đầu tiên mang theo tên lửa không đối không khi thực hiện nhiệm vụ ở Syria, với mục đích phòng vệ. Động thái này diễn ra một tuần sau khi cường kích Su-24 Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Những tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 60 km này sẽ bổ sung sức mạnh cho hệ thống tên lửa đất đối không tối tân S-400 mà Nga triển khai tới căn cứ không quân của mình ở gần Latakia, Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần 50 km về phía nam.

Theo Business Insider, với tên lửa không đối không và S-400, Nga rõ ràng đang gửi đi một thông điệp để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga trong tương lai.

“Họ đang làm theo yêu cầu của Putin từ tuần trước rằng tất cả máy bay xuất kích tại Syria sẽ được hộ tống bởi máy bay có khả năng không đối không”, Boris Zilberman, một chuyên gia về Nga tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, trung tâm nghiên cứu tại Washington bình luận .

“Thông điệp của Putin vẫn giữ nguyên từ tuần trước: Chúng tôi sẽ không để việc này xảy ra một lần nữa”, Zilberman nói.

Đồng quan điểm, Tyler Rogoway viết trên trang Jalopnik rằng việc trang bị vũ khí cho Su-34 tại Syria, cùng với việc triển khai S-400 là thông điệp với Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ bên tấn công tiềm tàng nào rằng Nga sẽ không để mất thêm một chiếc máy bay khác, hoặc bất kỳ tài sản nào mà không trả đũa.

Zero Hedge cho rằng đây là lời cảnh báo rõ ràng với không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mà tất cả lực lượng NATO tại khu vực, bao gồm Mỹ và Pháp, rằng bất kỳ hành động khiêu khích thêm nào với máy bay Nga sẽ bị đáp trả ngay lập tức, với sức mạnh tương đương.

Tuy nhiên, Rogoway cho rằng việc trang bị cho 4 chiếc Su-34 khả năng không đối không, cộng thêm 4 tiêm kích Su-30 đang đóng tại Syria, khó có thể đáp ứng tất cả nhiệm vụ yểm trợ cường kích như Nga đã tuyên bố. Một sự thay đổi về chiến thuật như vậy đòi hỏi phải có thêm tiêm kích được triển khai tới căn cứ của Nga ở phía nam thành phố cảng Latakia, Syria, hoặc nó sẽ đòi hỏi giảm tần suất xuất kích. Đây có vẻ là điều khó xảy ra khi Nga đang cố gắng tăng cường chiến dịch không kích ở Syria chứ không giảm đi.

Nếu Nga không triển khai thêm tiêm kích, thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy việc trang bị cho Su-34 có thể chủ yếu mang tính thể hiện, hoặc Nga sẽ chỉ sử dụng máy bay đa năng cho các nhiệm vụ ở biên giới, còn 11 cường kích Su-24 và 12 chiếc Su-25 sẽ chỉ được dùng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong nội địa Syria.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã bày tỏ mối lo ngại về các vũ khí nhắm mục tiêu trên không. Ông cho rằng Nga đang khước từ lời kêu gọi từ các quan chức Mỹ là tập trung vào diệt IS.

“Chúng tôi nhận thức được những gì họ đang đặt tại đây. Đó là khả năng mà chúng tôi thấy không cần thiết trong cuộc chiến chống lại IS”, Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm qua nói.

“Cho dù đó là việc trang bị tên lửa không đối không cho máy bay hay triển khai tên lửa đất đối không, thì rõ ràng những động thái này không phải vì IS, bởi vì IS không có máy bay”, ông Davis nói. “Cho đến nay nó không có bất kỳ tác động nào với hoạt động của chúng tôi tại Syria nhưng đó chắc chắn là những thứ chúng tôi phải xem xét”.

S-400-1444114976-7088-1448943104
S-400, tổ hợp tên lửa Nga có thể hạ mọi mục tiêu bay. Đồ họa: Sputnik (Xem chi tiết)
Rủi ro cao

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuần trước nói rằng ông “rất buồn” về vụ việc nhưng tuyên bố sẽ không xin lỗi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tái khẳng định lập trường này trong cuộc họp báo chung với tổng thư ký NATO.

Các trợ lý của ông Putin cho biết ông rất tức giận vì không có lời xin lỗi từ phía Ankara, Reuters đưa tin. Nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng, các phương án trả đũa của Putin cần được giới hạn, nếu ông muốn tránh một cuộc đối đầu lớn hơn với NATO.

Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng họ không có ý định chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắn rơi Su-24. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có quyền cầu viện cam kết phòng thủ chung của liên minh này.

“Các chọn lựa của ông Putin bị hạn chế. Đó là lý do tại sao ông tiến hành những hành động bên lề”, ông Zilberman nhận định.

“Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ giờ như một mồi lửa. Sự suy thoái trong quan hệ là mất mát cho cả Moscow và Ankara”, ông nói thêm.

Hơn nữa, ông Putin cũng phải có những cân nhắc về địa chính trị. “Ông Putin không muốn làm bùng lên sự phản kháng với NATO, vì ông ấy đang có những bước tiến với châu Âu , cụ thể là Pháp, trong việc xoay chuyển thế bị cô lập”, chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group nhận xét.

Theo các chuyên gia, ông Putin và ông Erdogan là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với cái tôi lớn và mong muốn làm hài lòng những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở trong nước.

“Vấn đề là cả hai tổng thống đều là những người đề cao vị thế, và là hai người chơi sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao”, nhà khoa học chính trị Ivan Krastev, chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do ở Sofia, Bulgaria, nói.

“Không để hình ảnh của mình hiện lên là mềm yếu là điều rất quan trọng với cả Putin và Erdogan. Cả hai đều không biết cách rút lui hay xin lỗi. Về phương diện đó, họ giống như một cặp song sinh“.

Bằng cách bổ sung tên lửa không đối không và đất đối không, ông Putin đang tránh để hình ảnh của mình hiện lên là mềm yếu và làm hài lòng những người ủng hộ ông, nhưng ông cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố trong tương lai, dù vô ý hay trả đũa.

“Cái tôi của Putin và Erdogan có thể khiến bất kỳ sự cố nào trong tương lai vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Zilberman nói.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan