Liên minh quốc tế kiểu Nga là như thế nào?

– Những nguyên tắc nghe rất đúng đắn của Nga vẫn đang xung đột với những gì mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành chống IS tại Syria. Đằng sau lập trường của mỗi bên còn quá nhiều uẩn khúc, khó dung hòa.

Russian Tupolev TU-22 long-range strategic bombers conduct an air strike at an unknown location in Syria, in this still image taken from video footage released by Russia's Defence Ministry on November 18, 2015. Footage released November 18, 2015.    REUTERS/Ministry of Defence of the Russian Federation/Handout via Reuters    ATTENTION EDITORS - THIS IMAGE WAS PROVIDED BY A THIRD PARTY. REUTERS IS UNABLE TO INDEPENDENTLY VERIFY THE AUTHENTICITY, CONTENT, LOCATION OR DATE OF THIS IMAGE. FOR EDITORIAL USE ONLY. NOT FOR SALE FOR MARKETING OR ADVERTISING CAMPAIGNS. FOR EDITORIAL USE ONLY. NO RESALES. NO ARCHIVE. THIS IMAGE HAS BEEN SUPPLIED BY A THIRD PARTY. IT IS DISTRIBUTED, EXACTLY AS RECEIVED BY REUTERS, AS A SERVICE TO CLIENTS.

Máy bay Tupolev TU-22 của Nga ném bom tại Syria – Ảnh: Reuters

Đến nay, có lẽ lời kêu gọi thành lập “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố”, vừa được nhắc lại trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin, đã trở thành một mục tiêu chiến lược của Nga để nước này có thể nổi lên như một ngọn cờ dẫn dắt thế giới đương đầu với một vấn nạn mới mà cả nhân loại đang phải đối diện: khủng bố quốc tế với điển hình là tổ chức IS.

Nga đưa ra ý tưởng này trên cơ sở phê phán Liên minh quốc tế chống IS đang hiện hữu, do Mỹ lập ra từ tháng 8-2014 với khoảng 60 quốc gia thành viên, là “không hiệu quả”, thậm chí “không thực tâm chống IS”!

Hồi đầu tháng 10, dường như Nga đã hình thành được một nhóm nòng cốt cho “liên minh” mới của mình. Đó là một cơ chế mà truyền thông Ả Rập gọi là “bộ tứ” gồm Nga, Iran, Iraq và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thậm chí khi ấy đã có những thông tin về “một dự án tiền khả thi” cho rằng trụ sở của “bộ tứ” này đặt tại Baghdad – thủ đô Iraq, với một bộ tham mưu chung mà tham mưu trưởng sẽ được luân phiên giữa bốn quốc gia thành viên, mỗi nhiệm kỳ ba tháng. Rồi Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi tuyên bố “sẵn sàng mời Nga không kích IS tại Iraq”…

Ý tưởng của Nga đương nhiên đụng độ với Mỹ – thủ lĩnh liên minh quốc tế đang vận hành hơn một năm nay. Liên minh của Mỹ không thể “kết nạp” quân đội Syria của ông al-Assad bởi coi quân đội này “là một bộ phận chính gây ra cuộc khủng hoảng Syria”.

Cuộc tranh chấp ngấm ngầm bên trong hậu trường, giữa Mỹ với Nga, được cả Iran và phái Hồi giáo Shiite trong chính quyền Iraq hậu thuẫn, đã “nóng” tới mức Mỹ phải công khai tuyên bố: Nếu Nga được mời không kích vào Iraq thì Mỹ sẽ rút hết khỏi nước này! Tới đây, thông tin về “bộ tứ” mà Nga làm nòng cốt “lặn” luôn!

Sau đó, Nga phát triển ý tưởng này thành “một liên minh quốc tế rộng rãi chống IS, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ”.

Nội dung của ý tưởng được nâng cấp này xem ra thuyết phục hơn trước bởi nó không phủ nhận liên minh hiện hữu do Mỹ đứng đầu, mà chỉ gộp liên minh của Mỹ vào một liên minh mới, rộng lớn hơn, quan trọng nhất là do Liên Hiệp Quốc đứng đầu chứ không phải Mỹ nữa.

Trong một số dịp khác nhau, phía Nga làm rõ thêm về “liên minh quốc tế rộng rãi” này như sau: quy mô và tính chất của nó tương tự lực lượng đồng minh chống Hitler hồi Thế chiến thứ hai!

Hôm 1-12, Nga đã chính thức gửi văn thư đến Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nêu đề nghị về “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố” này. Trong đó Nga nêu rõ: “Ngày nay, kẻ thù là khủng bố thế giới, các phần tử IS, al-Qaeda, Mặt trận Nusra và các nhóm liên hệ với chúng”.

Nhưng dường như ý tưởng rất có lý của Nga không nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều bên trong cuộc. Đối tượng “khủng bố” mà Nga chỉ đích danh không chỉ có IS, al-Qaeda và Mặt trận Nusra mà còn “các nhóm liên hệ với chúng”.

Vậy còn những nhóm nào nữa bị Nga coi là “khủng bố”?

Mỹ, các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “tố cáo” Nga đánh tất cả các nhóm vũ trang chống lại chính quyền Syria, trong đó có nhiều nhóm do chính Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập bảo trợ.

Công luận đều biết lập trường của Nga là mọi hoạt động quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Syria đều phải có sự đồng ý của chính quyền ở Damascus, bởi Tổng thống al-Assad là đại diện chính quyền hợp pháp tại Syria.

Những nguyên tắc nghe rất đúng đắn này lại xung đột ngay với những gì mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành chống IS tại Syria!

Xem ra, đằng sau lập trường của mỗi bên về chống IS còn quá nhiều uẩn khúc xung đột lẫn nhau, khó dung hòa. Chưa biết đến khi nào ý tưởng tích cực của Nga về một “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố” mới thành hiện thực.

NGUYỄN NGỌC HÙNG

 

comments

Nội dung liên quan